Ngày 11/10, SHB chính thức giao dịch phiên đầu tiên trên sàn HoSE sau hơn 1 thập kỷ niêm yết tại HNX. Với giá đóng cửa 30.300 đồng/cp, vốn hóa SHB đạt tương ứng 55.648 tỷ đồng (khoảng 2,4 tỷ USD), qua đó giúp sàn HoSE có thêm một doanh nghiệp tỷ đô niêm yết. Ở chiều ngược lại, sàn HNX đã mất đi một doanh nghiệp lâu đời cũng như quy mô hàng đầu.
Với việc SHB chuyển sang HoSE, sàn HNX hiện chỉ còn duy nhất một doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô là Thai Holdings (THD) với vốn hóa hơn 80.000 tỷ đồng (3,5 tỷ USD). Đây là con số khá khiêm tốn so với các sàn HoSE và UPCom.
Theo số liệu chốt phiên 11/10, TTCK Việt Nam có tới 56 doanh nghiệp niêm yết vốn hóa tỷ đô. Trong đó, sàn HoSE có tới 43 doanh nghiệp vốn hóa từ 1 tỷ USD trở lên, sàn UPCom cũng có tới 12 doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô, trong khi HNX chỉ còn vỏn vẹn THD.
Trước SHB, trong những năm gần đây, nhiều tên tuổi lớn trên HNX cũng chuyển sàn sang HoSE, có thể kể tới như ACB (3,9 tỷ USD), VNDirect (1 tỷ USD).
Hiện sàn HNX chỉ còn một doanh nghiệp tiệm cận cột mốc tỷ đô vốn hóa là Vicostone (VCS) với vốn hóa chốt phiên 11/10 đạt gần 20.500 tỷ đồng (khoảng 900 triệu USD).
Sự lép vế của HNX so với UPCom
Trước đây, các cổ phiếu lớn trên thị trường chủ yếu giao dịch trên 2 sàn niêm yết HoSE và HNX. Trong khi sàn UPCom thường bị coi là "sân chơi hạng 2", nơi chủ yếu quy tụ các cổ phiếu với chất lượng không cao, hoặc các cổ phiếu bị hủy niêm yết và phải "xuống hạng" UPCom. Thanh khoản UPCom cũng rất èo uột và quy mô thị trường này khá nhỏ so với 2 sàn niêm yết.
Tuy vậy, trong khoảng 5 năm trở lại đây, sàn UPCom đang có bước chuyển mình lớn và thậm chí vượt xa sàn niêm yết HNX cả về số lượng doanh nghiệp cũng như quy mô thị trường.
Nếu như năm 2013, vốn hóa sàn UPCom chỉ đạt hơn 25 nghìn tỷ đồng, bằng ¼ vốn hóa HNX thì đến năm 2016, vốn hóa UPCom đã tăng vọt lên hơn 280 nghìn tỷ đồng, gấp đôi sàn HNX. Số liệu mới cập nhật vào ngày 30/9/2021, vốn hóa UPCom đã lên tới hơn 1,3 triệu tỷ đồng, gấp hơn 3 lần vốn hóa HNX.
Việc UPCom có bước nhảy vọt về quy mô bắt nguồn từ việc Bộ Tài chính ra đời Thông tư 180/2015/TT-BTC (Thông tư 180), hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán chưa niêm yết.
Theo Thông tư 180, tất cả các công ty đại chúng (CTĐC) hình thành trước ngày 1/1/2016 mà không niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán sẽ phải thực hiện đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCom trong vòng một năm kể từ ngày 1/1/2016. Bên cạnh đó, đối với các CTĐC hình thành sau ngày 1/1/2016, trong vòng 30 ngày kể từ ngày UBCKNN có công văn xác nhận hoàn tất việc đăng ký CTĐC hoặc kể từ ngày kết thúc đợt chào bán chứng khoán ra công chúng phải thực hiện đăng ký giao dịch trên UPCom.
Đối với doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa dưới hình thức chào bán cổ phiếu ra công chúng, Thông tư 180 cũng quy định trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo xác nhận kết quả chào bán của UBCKNN, doanh nghiệp phải hoàn tất thủ tục đăng ký chứng khoán tại VSD và đăng ký giao dịch theo quy định.
Thông tư 180 ra đời đã kéo theo nhiều doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa và giao dịch trên sàn UPCom. Có thể kể tới nhiều doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn đã và đang giao dịch trên UPCom như Vietnam Airlines (HVN), ACV, VEAM (VEA), Becamex (BCM), Việt Tiến (VGG), Vinatex (VGT), Viettel Post (VTP), Viettel Global (VGI), Tập đoàn cao su (GVR)…
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn như SCG, Masan Consumer (MCH), Masan Meat Life (MML)…cũng đăng ký giao dịch trên UPCom thay vì chọn niêm yết trên HNX, HoSE giúp thị trường này thêm phần sôi động.
Trong khi UPCom đang có bước tiến lớn thì HNX đang gặp khó trong việc thu hút các doanh nghiệp lớn niêm yết. Các doanh nghiệp lớn giờ đây thường chọn HoSE để niêm yết, hoặc lựa chọn UPCom làm bước thử trước khi chuyển lên HoSE. Khoảng 5 năm gần đây, thường chỉ có các doanh nghiệp quy mô nhỏ niêm yết trên HNX, trong khi các doanh nghiệp lớn của sàn HNX đang ngày càng dịch chuyển sang HoSE.