Tăng trưởng thịnh vượng đi đôi với bền vững về môi trường, công bằng và hòa nhập xã hội là những trụ cột chính của tất cả các quốc gia cả quốc gia phát triển và đang phát triển, trong đó có Việt Nam, theo Bộ trưởng Dũng. Ông nhấn mạnh thế giới chỉ có thể đạt được mục tiêu này khi có sự chung tay của tất cả các quốc gia.
Việt Nam mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng cũng đã xác định phát triển thịnh vượng đi đôi với công bằng xã hội. Kết quả của 30 năm "Đổi Mới" đã thể hiện nỗ lực của Việt Nam theo đuổi mục tiêu này.
Thực tế, đến nay, diện mạo kinh tế Việt Nam đã thay đổi hẳn. Từ một nước nghèo, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình và hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới.
Đặc biệt, năm 2017 Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81%, cao nhất trong vòng 10 năm, và là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô ổn định, chất lượng tăng trưởng đã từng bước được cải thiện, mô hình tăng trưởng đang chuyển đổi theo hướng giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu thô sang lấy công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ.
Năm 2017 cũng đã ghi nhận những thành công của Việt Nam trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Dù vậy, đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn thách thức. GDP bình quân đầu người còn thấp, năng suất lao động chưa cao, bất bình đẳng về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư có xu hướng gia tăng; các vấn đề môi trường…
"Nếu không tìm ra động lực phát triển mới Việt Nam khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và có nguy cơ tụt hậu về kinh tế", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Do đó, để giải bài toán kép tăng trưởng cao và bền vững, Việt Nam cần phải tiếp tục đối mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển nhanh, bền vững, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng 4.0.
Theo đó, Bộ trưởng đưa ra 6 nhóm giải pháp, gồm:
Thứ nhất, tiếp tục tập trung cải cách thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách và môi trường, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn để kinh tế thị trường vận hành đầy đủ, thông suốt, hiệu quả; phát huy mạnh mẽ quyền dân chủ, tự do sáng tạo của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển theo cơ chế thị trường. Chấm dứt việc xây dựng các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu dùng, làm hạn chế sự tham gia thị trường các thành phần kinh tế.
Thứ hai, cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, thu hút chọn lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Bên cạnh đó, cần phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Thể chế hoá đầy đủ và bảo đảm thực hiện nghiêm minh quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và sở hữu trí tuệ. Xoá bỏ các rào cản, các biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp vào thị trường và sản xuất kinh doanh tạo ra bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực xã hội. Nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy liên kết với doanh nghiệp FDI.
Thứ ba, cần phát triển năng lực đổi mới, sáng tạo
Bộ trưởng cho rằng cần đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia, lấy doanh nghiệp và các định chế Nghiên cứu và Phát triển (R&D) làm trung tâm, phát huy năng lực sáng tạo của mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức.
Bên cạnh đó, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, kết nối doanh nghiệp, ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0…
Thứ tư, phát huy các cực tăng trưởng, nâng cao hiệu quả kinh tế vùng và đô thị. Theo đó, tích cực thát triển các cực tăng trưởng mới với việc xây dựng 3 đặc khu hành chính - kinh tế với thể chế vượt trội, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Phát huy các cơ chế đặc thù ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, làm đầu tàu và tạo sự lan tỏa cho cải cách và phát triển.
Ngoài ra cần xây dựng các quy hoạch vùng theo hướng tích hợp, đa ngành, phù hợp với kinh tế thị trường; lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển vùng. Nâng cao chất lượng lập và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội…
Thứ năm cần bảo đảm công bằng và hòa nhập xã hội. Trong đó, phát triển cung cấp dịch vụ công, đảm bảo bình đẳng về cơ hội phát triển cho tất cả mọi người, đặc biệt là nhóm người yếu thế. Thúc đẩy phát triển và đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu vì sự thịnh vượng chung.
Cuối cùng là cần phải phát triển bền vững về môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
"Việt Nam phải đi đến đâu, phải đi con đường như thế nào, chúng ta cần phải trả lời được những câu hỏi đó", Bộ trưởng nói và cho biết đó là cách để chúng ta đi đúng hướng trong tương lai.