Ngày 19/5, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hiệu quả, bền vững" với sự tham gia của các diễn giả tới từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chuyên gia kinh tế - tài chính và đại diện của một số doanh nghiệp.
Phát triển mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây, thị trường TPDN đang ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong cơ cấu thị trường vốn, đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp.
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, năm 2021, tổng giá trị TDPN phát hành đạt 720.000 tỷ đồng, tăng 52,5% so với năm 2020.
2021 cũng là năm bùng nổ của thị trường TPDN phát hành riêng lẻ. Trong đó, tài chính - ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu chiếm 42% tổng giá trị phát hành. Nhóm ngành bất động sản chiếm 34,8%, tăng 36,2% so với năm 2020.
Sự tăng trưởng "nóng" của thị trường TPDN đi kèm là những rủi ro nhất định. Như vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phải ra quyết định hủy 9 lô trái phiếu của 3 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Tân Hoàn Minh đã phần nào hé lộ những lỗ hổng và rủi ro có thể xuất hiện trên thị trường.
Hay việc báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết TPDN nhóm ngành bất động sản hoàn toàn vắng bóng trong kỳ phát hành tháng 4, dù ngay tháng liền kề đây là nhóm dẫn đầu với giá trị đạt 1.691 tỷ đồng (chiếm 46,7% giá trị phát hành trong tháng) cũng phần nào cho thấy vết "rạn nứt" trong sự vận hành hiện nay của thị trường này.
VAI TRÒ LỚN NHƯNG PHẢI LÀNH MẠNH HƠN
Trong bài phát biểu mở đầu Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong 5 năm gần đây, thị trường TPDN Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm.
Tính đến cuối năm 2021, thị trường có gần 1,2 triệu tỷ đồng được doanh nghiệp huy động qua thị trường trái phiếu, chiếm khoảng 12% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế vào khoảng 15% GDP sau điều chỉnh.
Mặc dù có tốc độ tăng trưởng như vậy, nhưng quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam mới đang chỉ chiếm khoảng 15% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thái Lan (25% GDP).
Ông Phòng cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thị trường vốn vay - khi thị trường này luôn có vai trò chủ đạo, lớn gấp 3 lần thị trường vốn chủ sở hữu.
Trong đó, thị trường TPDN có vai trò quan trọng là kênh tài trợ vốn vay trung dài hạn cho tổ chức kinh tế, đi song song với thị trường vốn vay ngân hàng. Qua đó, giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ thống ngân hàng đồng thời giảm rủi ro cho các doanh nghiệp, không bị quá phụ thuộc vào hệ thống tín dụng ngân hàng.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI tại Diễn đàn "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững".
Đồng tình với quan điểm này, tại diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho biết Việt Nam hiện có nhu cầu rất lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng nên rất cần vốn trung - dài hạn. Theo đó, ngoài vốn tín dụng ngân hàng, từ nay đến 2030, mỗi năm Việt Nam cần huy động 700.000 – 1 triệu tỷ đồng vốn trung - dài hạn).
Theo Chiến lược tài chính đến năm 2030, dư nợ trái phiếu cần đạt quy mô 47% GDP vào năm 2025, trong đó TPDN đạt 20% GDP và 58% GDP vào năm 2030.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, hệ thống ngân hàng thương mại đang quá sức trong cho vay vốn dài hạn. Do đó, kênh huy động vốn qua thị trường trái phiếu là vô cùng quan trọng, vấn đề là điều tiết thị trường TPDN như thế nào để phát triển lành mạnh hơn.
PHẢI SỚM HOÀN THIỆN "HẠ TẦNG" PHÁP LÝ
Tái khẳng định kênh huy động vốn qua thị trường trái phiếu là vô cùng quan trọng cho dòng vốn dài hạn của doanh nghiệp, TS. Lực đề cập đến vấn đề cần xây dựng "hạ tầng" để điều tiết thị trường TPDN một cách lành mạnh.
Ông Lực nhận định, về vấn đề pháp lý, hành lang pháp lý đã phát triển tương đối nhanh để đáp ứng nhu cầu thị trường TPDN nhưng thị trường vẫn đang đòi hỏi những quy định pháp lý cao hơn.
Từ đó, ông Lực nêu lên 6 vấn đề đáng lưu tâm, ảnh hướng lớn đến sự phát triển lành mạnh của thị trường TPDN hiện nay.
Đầu tiên là chất lượng TPDN tiềm ẩn rủi ro khi TPDN phát hành riêng lẻ chiếm đa số (lên tới 94,5% thời gian qua).
Thứ 2, xuất hiện rủi ro cho nhà đầu tư khi nhiều tài sản đảm bảo (TSBĐ) có rủi ro thay đổi giá trị nhanh (như cổ phiếu, quyền tài sản phát sinh…), hay TSBĐ khó xác định giá trị (bao gồm bất động sản hình thành trong tương lai, cổ phiếu chưa niêm yết…).
Thứ 3, năng lực, uy tín của chủ thể phát hành nhiều khi chưa được đảm bảo. Trong khi đó còn xảy ra hiện tượng lách luật và báo cáo tài chính, cáo bạch phát hành chưa đủ mức công khai, minh bạch.
Thứ 4, thực tế là nền tảng đa phần nhà đầu tư còn yếu, khá nhiều nhà đầu tư cá nhân (lên đến 30% đầu tư thứ cấp; tự đầu tư, chưa ủy thác qua các quỹ đầu tư); thiếu các quỹ hưu trí, quỹ bảo hiểm, quỹ đầu tư khác…
Thứ 5, quy định pháp luật về phát hành TPDN tuy đang dần được hoàn thiện, nhưng chưa thực sự chặt chẽ, trong khi các chủ thể tham gia thị trường rất tinh vi và thị trường phát triển rất nhanh.
Thứ 6, thị trường còn thiếu vắng việc định hạng tín nhiệm, dẫn đến thiếu cơ sở đánh giá mức độ tín nhiệm hay rủi ro của tổ chức phát hành hoặc từng đợt phát hành.
Từ 6 điểm trên, theo TS. Lực, cần sớm sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành TPDN riêng lẻ, Nghị định 156/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán; rà soát Luật chứng khoán 2019 tiến tới sửa đổi, trong đó nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp… Thêm vào đó, cần cân nhắc mức độ phù hợp về quy định TSĐB, bảo lãnh phát hành, phân phối trái phiếu.
Đồng thời, cần có quy định về định hạng tín nhiệm nhằm giúp nhà đầu tư dễ dàng xác định chất lượng doanh nghiệp, mức độ rủi ro của trái phiếu phát hành.
Theo đó, cần xác định những trường hợp bắt buộc, trường hợp khuyến khích xếp hạng tín nhiệm; cần có quy định đảm bảo các công ty định hạng tín nhiệm có đủ năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.
Ông Lực cho rằng nên xem xét cấp phép thành lập thêm 2-3 công ty định hạng khác, ngoài 2 công ty đã có. Cùng với đó là làm rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm và các trung gian tài chính liên quan.
Cũng theo ông Lực, cần có giải pháp tăng chất lượng TPDN được phát hành. Trong đó, xem xét quy định cụ thể hơn về quy mô, tần suất, điều kiện phát hành. Hoạt động phát hành ra công chúng cũng cần được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn như đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ…
Đặc biệt, cần hoàn thiện hạ tầng của thị trường TPDN như thiết lập thị trường thứ cấp tập trung đối với TPDN, qui định áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu… Đồng thời, tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ như là một chuẩn định hạng đối với TPDN.
Ngoài ra, TS. Cấn Văn Lực nhận định cần hướng tới phát triển nền tảng nhà đầu tư chứng khoán đa dạng, chuyên nghiệp; khuyến khích phát triển các nhà đầu tư tổ chức như quỹ đầu tư, quỹ mở, quỹ hưu trí…; khuyến khích hình thức ủy thác đầu tư; cải thiện chất lượng nhà đầu tư cá nhân thông qua tăng cường giáo dục tài chính cho người dân và những nhà đầu tư mới.
Thêm vào đó là yêu cầu minh bạch thông tin cho nhà đầu tư, đưa ra các sản phẩm phù hợp với nhà đầu tư cá nhân…, giúp họ nhận diện các rủi ro, có thêm các lựa chọn đầu tư tùy vào khẩu vị rủi ro, từ đó tránh những hệ lụy không đáng có...
Cuối cùng là việc hoàn thiện cơ chế và nâng cao chất lượng quản lý và giám sát thị trường TPDN, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát trên cơ sở rủi ro, chứ không chỉ là biện pháp hành chính.