Thảo luận tại tổ chiều 24/10 về dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, ông Võ Văn Thưởng - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đại biểu đoàn Đồng Nai, cho rằng cần làm rõ vấn đề giải phóng mặt bằng diện tích đất tăng thêm gần 650 ha, tính vào dự án giải phóng mặt bằng hay tính vào giai đoạn 1 của dự án sân bay.
Ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Nếu đưa 650ha tăng thêm này vào giai đoạn 1 sẽ dẫn đến tình trạng triển khai sau. Triển khai sau sẽ dẫn đến việc chênh lệch chính sách trong thu hồi đất tại địa bàn, dù đất đó là đất của cao su nhưng vẫn có một tỷ lệ đất của người dân được giao quản lý trong thời gian vừa qua.Theo ông Thưởng, bài toán này nếu giải quyết không kỹ thì khi tổ chức thực hiện sẽ rất khó. Để ưu tiên giải phóng mặt bằng và coi giải phóng mặt bằng là quan trọng, Quốc hội đã đồng ý tách ra thành một dự án riêng. Trong dự án đó không có 650 ha tăng thêm này, cho nên nếu diện tích tăng thêm đưa vào dự án giải phóng mặt bằng theo Nghị quyết 53 sẽ phải điều chỉnh dự án giải phóng mặt bằng.
“Như vậy cũng là sân bay Long Thành nhưng có 2 diện tích giải phóng mặt bằng với 2 chính sách khác nhau. Vì vậy, nếu được nên cân nhắc bổ sung thêm việc giải phóng mặt bằng như Quốc hội đã thông qua”, ông Thưởng kiến nghị.
Ông Võ Văn Thưởng nhận định, kết nối giao thông giữa sân bay Long Thành như báo cáo thẩm tra đặt ra rất đúng. Bởi vì QL51 bây giờ quá tải, những dự án đường sắt đô thị nêu ra thì đến năm 2040 mới có khả năng xây. Như vậy, giai đoạn 1 đến năm 2030 kết nối như thế nào? Vấn đề này cần phải tính toán kỹ.
“Ngay cả đường cao tốc từ TPHCM - Long Thành hiện nay đã quá tải. Thứ 7, chủ nhật gần như đường cao tốc này lại bị kẹt xe, thành thấp tốc. Mà kết nối giữa cao tốc Long Thành – Dầu Giây với sân bay Long Thành nếu không có giải pháp cụ thể để giải quyết cũng sẽ rất khó triển khai thực hiện”, ông Thưởng nói.
Đại biểu Võ Văn Thưởng cũng đề nghị phải làm rõ cơ chế giao đất đối với những doanh nghiệp thực hiện các dự án thuộc hạng mục 4 (các dự án hợp tác đầu tư hoặc khai thác dịch vụ).
“Tôi thấy cái này cần cân nhắc bởi nó liên quan đến việc thu hồi đất của dân và sau này được giao cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án như thế nào. Người dân di dời sớm để phục vụ sân bay Long Thành. Tuy nhiên, trong sân bay Long Thành có những dự án thuần túy là kinh doanh, dù là kinh doanh phục vụ cho sân bay cũng là kinh doanh. Đây là vấn đề cần phải hết sức chú ý chứ sau này Đồng Nai làm công tác tư tưởng với dân khó lắm”, ông Thưởng nói.
Cho ý kiến vào dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, đại biểu đoàn Bạc Liêu đánh giá, đây là dự án trọng điểm quốc gia, có liên quan đến an ninh, quốc phòng nên giao cho các doanh nghiệp Nhà nước có chức năng quản lý, đủ thẩm quyền thực hiện là yên tâm.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái |
Tuy nhiên, ông Khái lưu ý, công tác giám sát, quản lý phải hết sức chặt chẽ ngay từ giai đoạn thiết kế, giao thầu đến thi công. Bởi kinh nghiệm và qua thực tế cho thấy, nếu không quan tâm ngay từ giai đoạn đầu của dự án thì khi có vấn đề xảy xử lý hậu quả sẽ khó lường.
Đại biểu Lê Minh Khái đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần hết sức quan tâm công tác kiểm tra, thanh tra trong quá trình thực hiện, đặc biệt là khâu giám sát. Có thể thuê giám sát nước ngoài để loại trừ hết tất cả các mối quan hệ có thể tác động đến việc tổ chức thi công dự án.
“Nếu chúng ta kiểm tra, kiểm soát chấn chỉnh kịp thời thì khắc phục những hậu quả, sai sót, hạn chế nếu có sẽ dễ hơn, vừa không mất tiền của nhà nước, của xã hội, vừa không phải xử lý mất cán bộ”, Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh./.