Forbes Asia vừa công bố danh sách 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD tốt nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm nay Việt Nam đã đóng góp 7 cái tên trong danh sách này, gồm Masan Group, Thế Giới Di Động, Sabeco, Vietjet Air, Vinamilk, Techcombank và Vingroup.
Danh sách có sự góp mặt có nhiều doanh nghiệp tiếng tăm như Alibaba (Trung Quốc), Jollibee (Philippines) Tencent (Trung Quốc) hay Advantest (Nhật Bản), Naver (Hàn Quốc), Recruit Holdings (Nhật Bản), STO Express (Trung Quốc), Titan (Ấn Độ)…
Danh sách mới này bổ sung thêm cho danh sách quen thuộc tôn vinh 200 công ty có doanh thu dưới 1 tỷ USD tốt nhất trong khu vực. Tổng cộng hai danh sách đã chọn ra 400 doanh nghiệp, từ quy mô nhỏ tới lớn nhất, phân định bằng vạch doanh thu 1 tỷ USD.
Một tiêu chí khác phải đáp ứng, theo Forbes Asia là mối liên hệ giữa các công ty và cá nhân thuộc danh sách những người giàu nhất châu Á - Thái Bình Dương.
Nhiều người hẳn đã nhận ra mối tương quan giữa kết quả kinh doanh với sự phát triển tài sản của các cá nhân. Xét cho cùng, nếu tài sản cá nhân gắn liền với tài sản doanh nghiệp, sẽ trở thành động lực để phát triển doanh nghiệp dài hạn.
Kết quả cho thấy gần 2/3 doanh nghiệp trong top 200 công ty doanh thu trên 1 tỷ USD của Forbes Asia 2019 đều được điều hành hoặc có mối liên hệ với các gia tộc và cá nhân đã từng xuất hiện trong danh sách những người giàu nhất của Forbes Asia.
Năm nay Việt Nam đóng góp được 7 cái tên trong danh sách. Đó là những tên tuổi quen thuộc với thị trường trong nước bao gồm Masan Group, Thế Giới Di Động, Sabeco, Vietjet Air, Vinamilk, Techcombank và Vingroup.
Đứng vị trí số 1 là Tập đoàn Masan. Theo ghi nhận của Forbes, Masan có doanh thu 1,659 tỷ USD, lợi nhuận ròng 214 triệu USD. Giá trị thị trường vốn hoá của Masan đạt 3,766 tỷ USD.
Đại diện thứ 2 của Việt Nam là Công ty Cổ phần Thế giới Di động (MWG). Công ty sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ Thegioididong, Bách hoá xanh và Điện máy Xanh. Thống kê của Forbes Asia, năm 2018 công ty có doanh thu 3,758 tỷ USD, lợi nhuận ròng 125 triệu USD, giá trị thị trường đạt 2,174 tỷ USD.
Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đơn bị sở hữu thương hiệu Bia Sài Gòn cũng góp mặt trong bảng xếp hạng này với ghi nhận doanh thu 1,562 tỷ USD năm 2018, lợi nhuận ròng 181 triệu USD, giá trị thị trường cao nhất với 7,734 tỷ USD.
Hãng hàng không Vietjet Air với việc chiếm lĩnh 46% thị trường hàng không Việt, vận chuyển 23 triệu hành khách năm 2018, đã có mặt trong danh sách này. Năm 2018 Vietjet có doanh thu 2,328 tỷ USD, lợi nhuận ròng 232 triệu USD, giá trị vốn hoá thị trường đạt 3,054 tỷ USD.
Hãng sữa lớn nhất Việt Nam là Vinamilk góp mặt trong danh sách và được ghi nhận doanh thu năm 2018 đạt 2,283 tỷ USD, lợi nhuận ròng 444 triệu USD và giá trị vốn hoá thị trường đạt 9,076 tỷ USD. Hiện Vinamilk đang đầu tư các trang trại bò sữa quy mô lớn với tiêu chuẩn quốc tế Global G.A.P. Mục tiêu của công ty là tiến vào top 30 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới. Công ty cũng đang thực hiện thương vụ đình M&A với GTNfoods - đơn vị sở hữu thương hiệu Sữa Mộc Châu.
Hai đại diện cuối cùng của Việt Nam là Techcombank và Vingroup.
Về Techcombank, Forbes Asia ghi nhận mức doanh thu năm 2018 đạt 1,338 tỷ USD, lợi nhuận ròng đạt 368 triệu USD và giá trị vốn hoá vượt 3,27 tỷ USD. Năm 2019, nhà băng này đặt kế hoạch tăng tài sản lên 375.821 tỷ đồng, huy động vốn tăng 32% lên mức 274.156 tỷ, dư nợ tín dụng tăng 13% lên 235.366 tỷ…
Vingroup, Forbes Asia ghi nhận tài sản của tập đoàn kinh doanh đa ngành khổng lồ này tiếp tục được đa dạng hóa. Sau khi xuất xưởng chiếc xe hơi đầu tiên vào tháng 6/2019, Vingroup tiếp tục tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới: thành lập hãng hàng không để tận dụng thị trường du lịch đang nở rộ tại Việt Nam. Tuy vậy việc đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh đang kéo hiệu quả công ty chậm lại.
Năm 2018, doanh thu của Vingroup đạt 5,295 tỷ USD, tăng 36% nhưng lợi nhuận ròng lại giảm 15% xuống 164 triệu USD khi công ty tiếp tục đầu tư mạnh vào mảng sản xuất ôtô. Tuy vậy, vốn hoá của tập đoàn đã vượt 17 tỷ USD.