Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine có thể không dẫn đến sự sụp đổ kinh tế nghiêm trọng như một số dự đoán nhưng vẫn có tác động sâu rộng, theo Moscow Times.
9 tháng sau chiến dịch quân sự đặc biệt, Nga phải hứng chịu một số hệ quả không ngờ mà các biện pháp trừng phạt từ phương Tây gây ra:
Thay đổi công thức làm kẹo
Chủ một nhà máy bánh kẹo lớn ở thành phố Perm, miền núi Ural, cho biết vào tháng 10 rằng, nhà máy này đã buộc phải thay đổi công thức của một số sản phẩm sau khi lệnh trừng phạt của phương Tây cắt đứt việc nhập khẩu các nguyên liệu chính.
“Có những nguyên liệu thô không thể sản xuất được ở Nga, ví dụ như hạt ca cao. Với sản phẩm có nhiều thành phần thì càng khó khăn”, Boris Shvaytser cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin địa phương.
Ngoài việc thay đổi công thức, nhà máy, theo Shvaytser, cũng buộc phải tìm kiếm thiết bị mới sau khi các nhà cung cấp từ Ý, Đức và Anh tạm dừng hợp tác.
Mạng Internet cho điện thoại di động chậm
Tốc độ Internet di động LTE ở Nga đã giảm trung bình 0,6 megabit/giây so với cùng thời điểm năm ngoái, theo một nghiên cứu hồi tháng 3 do cơ quan phân tích thông tin Nga TelecomDaily công bố.
Và các vấn đề về tốc độ internet dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn khi sự ra đi của những gã khổng lồ viễn thông châu Âu - bao gồm cả Nokia và Ericsson - khiến việc hiện đại hóa các mạng của Nga trở nên khó khăn hơn.
Lò hỏa táng bị đóng cửa
Một lò hỏa táng ở thành phố phía tây nam Voronezh đã buộc phải đóng cửa trong tháng này sau khi buồng hỏa táng duy nhất - được sản xuất tại Cộng hòa Séc - bị hỏng.
Nhà hỏa táng ở Voronezh. Ảnh:
Không rõ liệu có thể mở cửa trở lại hay không vì lò bị lỗi không thể thay thế do lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao của Liên minh châu Âu sang Nga.
Theo trang web tin tức De Facto có trụ sở tại Voronezh, các chuyên gia Nga và đại diện của nhà cung cấp thiết bị hỏa táng Tabo-CS của Séc đang tiến hành sửa chữa lò nhưng chưa biết sẽ mất bao lâu.
Theo trang web của mình, thiết bị hỏa táng Tabo-CS được sử dụng ở hàng chục thành phố khác trên khắp nước Nga, bao gồm St. Petersburg và Novosibirsk.
Ít xe buýt hơn
Theo nghiên cứu của công ty Simetra, các nhà khai thác vận tải địa phương tại 84 thành phố của Nga đã hủy bỏ tới 200 tuyến xe buýt và xe điện trong năm nay.
Một trong những lý do cho những thay đổi này là lệnh trừng phạt đối đã tác động đến các nhà sản xuất phương tiện của Nga.
Ví dụ, công việc của Nhà máy chế tạo ô tô chở hàng Tikhvin ở vùng Leningrad đã bị đình trệ hơn hai tháng trong mùa hè vì nhà máy này hết vòng bi do Mỹ sản xuất cho quá trình sản xuất.
Tạm hoãn làm thẻ căn cước
Chính quyền Nga đã tìm cách thay thế hệ thống hộ chiếu của đất nước bằng thẻ căn cước kỹ thuật số ít nhất là từ năm 2013. Nhưng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã buộc chính quyền phải đóng băng dự án vô thời hạn.
Một trong những lý do khiến Nga phải tạm ngưng là Nga không thể sản xuất đủ chip và nhựa để làm thẻ, Forbes Russia đưa tin vào tháng 6.
Những tòa nhà trống
Số lượng các văn phòng trống trong các tòa nhà và trung tâm mua sắm của Nga tiếp tục tăng do sự ra đi của các nhà bán lẻ lớn của nước ngoài.
Tỷ lệ không gian trống trong các trung tâm mua sắm ở thủ đô Moscow ước tính sẽ đạt 17% vào cuối năm nay, theo dữ liệu từ công ty tư vấn bất động sản NF Group được nhật báo kinh doanh Kommersant của Nga đưa tin hồi đầu tháng.
Bên cạnh đó, 12% tòa nhà văn phòng ở Moscow sẽ trống vào cuối năm nay, theo đại diện của công ty tư vấn CORE.XP.
Thiếu thiết bị đào tạo phi công
Các phi công hàng không ở Nga ngày càng có ít lựa chọn hơn sau khi hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ Turkish Airlines cấm phi công Nga sử dụng các thiết bị đào tạo mô phỏng chuyến bay của họ.
Lệnh cấm được áp dụng vì hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ e ngại trở thành nạn nhân của các biện pháp trừng phạt thứ cấp từ Cơ quan An toàn Hàng không của EU.
Quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ có thể có ý nghĩa quan trọng vì không phải tất cả các loại thiết bị huấn luyện mô phỏng chuyến bay đều có sẵn ở Nga hoặc các quốc gia đối tác thân thiện, theo các chuyên gia được khảo sát vào đầu năm nay bởi hãng truyền thông độc lập The Insider.