Dựa trên tình hình thực tế trong thời gian đại dịch, tiềm năng trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch và xa hơn nữa, ông Don Lam – Sáng lập viên, Tổng Giám đốc tập đoàn VinaCapital, đưa ra 7 đề xuất thiết thực nhằm hỗ trợ cho việc tăng trưởng GDP trong dài hạn, bao gồm:
Chính phủ đảm bảo cho các khoản vay mở rộng dành cho doanh nghiệp SME
Chính phủ Đức đảm bảo cho tất cả khoản vay từ ngân hàng dành cho những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ được hoàn trả. Theo ông Don Lam, Việt Nam cũng nên áp dụng các biện pháp tương tự.
"Cam kết của Chính phủ sẽ giúp các NHTM giảm áp lực về các khoản vay. Đồng thời sẽ giúp hàng ngàn doanh nghiệp hộ gia đình tiếp cận được nguồn vốn vay để duy trì hoạt động sau dịch bệnh. So với các nước khác, Chính phủ Việt Nam có nhiều lựa chọn hơn và linh hoạt để đảm bảo các khoản vay được hoàn trả đầy đủ", ông Don Lam nhận định.
Ngoài ra, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sẽ giúp tạo nên nguồn thu mới từ thuế. Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động ở chế độ "kinh tế ngầm", doanh thu của họ không phải lúc nào cũng rõ ràng khi tính vào số liệu chung như GDP. Bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp này tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng và đưa họ vào hệ thống thực chất, Chính phủ giúp họ chuyển sang vận hành theo chế độ "kinh tế chính thống", qua đó có thêm nguồn thu thuế mới đồng thời có cơ sở dữ liệu chính xác hơn.
Phát triển cơ sở hạ tầng
Theo CEO VinaCapital, các biện pháp tài chính và tín dụng hiện tại sẽ giúp giảm bớt các tác động tiêu cực của đại dịch tuy nhiên Việt Nam cần tìm cách để kích thích tăng trưởng kinh tế.
"Phát triển cơ sở hạ tầng là một trong những cách đơn giản nhất cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn", ông Don Lam nhận định.
Cơ sở hạ tầng không phải là những dự án chóng vánh – xây dựng nhà máy điện, cảng biển, đường cao tốc, sân bay và hệ thống đô thị cần một khoảng thời gian dài để lên kế hoạch và thực thi. Nhưng những dự án này sẽ giúp tạo ra việc làm cho hàng ngàn lao động phổ thông, cũng như tạo ra nhu cầu lớn về vật liệu xây dựng. Ông Don Lam tin rằng việc phát triển cơ sở hạ tầng là chiến lược kinh tế dài hạn có hiệu quả được chứng thực.
Lấy ví dụ, trong cuộc đại khủng hoảng vào những năm 1930, Mỹ đã thành lập Cơ quan quản lý tiến độ công trình và đã tạo việc làm cho hơn 8 triệu lao động thất nghiệp, xây dựng hàng ngàn dự án trên khắp nước Mỹ bao gồm các tòa nhà Chính phủ, đường xá, trường học đến các nhà máy điện. Phần lớn các công trình này hiện nay vẫn được sử dụng. Các công trình này đã đưa Mỹ trở thành một cường quốc sản xuất trong nhiều thập kỷ sau đó.
Trung Quốc cũng đầu tư hạ tầng sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997 và sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Điều này giúp TQ mở rộng đáng kể năng lực sản xuất trong nước. Trước đó các hoạt động công nghiệp của TQ đều đặt ở khu vực dọc đường biển. Với các dự án hạ tầng, các cơ sở sản xuất có giá trị cao được chuyển vào sâu trong đất liền nhờ hệ thống giao thông mới thuận lợi.
VinaCapital cho rằng việc phát triển cơ sở hạ tầng là chiến lược tuyệt vời cần được cân nhắc, bởi nó không chỉ hỗ trợ vấn đề việc làm, mà còn tạo ra lợi thế cho Việt Nam nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài chất lượng và kích thích tăng trưởng kinh tế.
Gỡ nút thắt cho các dự án bất động sản
Đối ngược với hạ tầng, phát triển bất động sản có thể coi là cách nhanh hơn để tạo đà trưởng. Cũng như các dự án hạ tầng, bất động sản cũng tạo ra nhiều việc làm và nhu cầu lớn về vật liệu như sắt thép và xi măng và xây dựng các khu chung cư rõ ràng tốn ít thời gian hơn xây dựng đường cao tốc.
Nhu cầu "an cư" tại Việt Nam rất rõ nét trước đại dịch Covid-19, các dự án nhà ở mới đầu thu hút một lượng lớn giao dịch khi đưa vào khai thác. Trong giai đoạn dịch bệnh, giá chung cư mới tại TP.HCM và Hà Nội theo các môi giới bất động sản chỉ giảm 5-10%, được xem là tín hiệu rõ ràng về nhu cầu nhà ở đang gia tăng ở tầng lớp trung lưu.
Theo ông Don Lam, trong 2 năm gần đây, nhiều dự án bất động sản khắp cả nước chậm phát triển do quá trình thẩm định theo yêu cầu của Chính phủ. Hệ thống pháp lý phức tạp và đôi khi thiếu đồng bộ đã khiến nhiều dự án bất động sản và hạ tầng bị ngừng trệ. Nếu có những chỉ đạo từ các cấp cao nhất của Chính phủ cho việc tiếp tục phát triển những dự án bất động sản đang tạm ngừng song song với các tiêu chí đánh giá liên quan đến quá trình thực thi và giải ngân. Ông Don Lam tin rằng nút thắt của ngành bất động sản sẽ được tháo gỡ và kinh tế sẽ được hưởng lợi lớn trong ngắn hạn và dài hạn.
Hoạch định chính sách để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và việc làm
Dệt may Việt Nam đang là một trong những ngành có rủi ro lớn nhất từ đại dịch. Với doanh số bán lẻ hàng thời trang giảm 50% ở Mỹ và châu Âu, CEO VinaCapital lo ngại về khả năng thất nghiệp hàng loạt của lao động trong ngành công nghiệp này.
"Một cách để giảm thiểu thiệt hại là giúp các công ty may mặc chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ năng lực sản xuất của họ sang sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân cho ngành y tế như khẩu trang, quần áo bảo hộ, tấm chắn giọt bắn và các thiết bị khác để bảo vệ bác sĩ, y tá và các nhân viên khác trong ngành y tế", ông Don Lam đưa ra lời khuyên.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi không đơn giản và dễ dàng thực hiện. Việc xuất khẩu thiết bị bảo hộ y tế đến Mỹ và châu Âu đòi hỏi phải được chấp thuận từ các cơ quan quản lý như Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), nhiều công ty may mặc nhỏ có thể không có đủ chuyên môn kỹ thuật để sản xuất các sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn đó hoặc theo đuổi các quy trình phức tạp để được FDA cấp phép, nhưng Chính phủ Việt Nam có thể giúp các doanh nghiệp trong việc này.
Thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức nghiên cứu lâm sàng
Với việc sản xuất thiết bị y tế phức tạp có thể là quá tầm với hầu hết các công ty "phát triển nghiên cứu lâm sàng" – hay CRO – lại là 1 ngành đầy hứa hẹn. Các công ty này tổ chức thử nghiệm y tế cho các loại thuốc mới và xử lý các thủ tục hành chính phức tạp, bao gồm việc tuân thủ các điều lệ ở Mỹ và châu Âu, thay mặt cho các công ty dược phẩm lớn trên thế giới. Khoảng 3/4 hoạt động nghiên cứu thuốc của các công ty dược đã được giao về cho các công ty này. VinaCapital hy vọng ngành này mở rộng hậu Covid-19 và Chính phủ Việt Nam có thể giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành.
Quảng bá du lịch
Một ngành công nghiệp khác có thể được thúc đẩy bằng chính sách là ngành du lịch. Rõ ràng, đây là một cuộc chơi dài hạn phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch Covid-19 ở các nơi khác và mức độ suy thoái hiện hữu trên toàn cầu. Tuy nhiên, bằng cách quảng bá Việt Nam là một điểm đến thuận tiện và an toàn cho khách du lịch trong khu vực, Chính phủ Việt Nam có thể thực hiện một số biện pháp để giúp ngành công nghiệp này - hiện sử dụng 1,3 triệu lao động, chiếm 10% GDP bắt nhịp trở lại một cách an toàn nhất có thể.
Chuẩn bị cho dòng vốn FDI ồ ạt hậu Covid
Có nhiều ý kiến đồng ý rằng Việt Nam có thể nhận được nhiều vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài hậu Covid đặc biệt trong ngành sản xuất.
Các ấn phẩm như tạp chí The Economis, các nhà đầu tư và tổ chức uy tín như Mark Mobius, JETRO và công ty tư vấn AT Kearny đều dự đoán rằng các doanh nghiệp có xu hướng di dời cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, và Việt Nam là quốc gia hưởng lợi lớn từ xu hướng này. Tuy nhiên, việc thiết lập các nhà máy luôn phức tạp và cần có thời gian.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam có thể khuyến khích các công ty đa quốc gia di dời hoạt động của họ đến Việt Nam bằng cách quảng bá các biện pháp y tế công cộng sớm và quyết liệt của Chính phủ đã không chỉ giúp kiểm soát sự bùng phát dịch bệnh, mà còn đảm bảo việc hoạt động an toàn cho các doanh nghiệp sản xuất.
"Rất tuyệt vời là các phương tiện thông tin quốc tế đã đồng loạt đưa tin về sự thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống lại Covid nhưng sẽ thuận lợi hơn nữa nếu Chính phủ trực tiếp truyền tải thông điệp về thành tựu vừa qua và những chính sách ưu đãi cho các dn muốn chuyển dời hoạt động về Việt Nam", ông Don Lam chia sẻ.
Kết luận, CEO VinaCapital cho rằng thời gian tới chắc chắn sẽ có nhiều thử thách không chỉ cho Việt Nam mà còn với toàn thế giới. May mắn là nền kinh tế Việt Nam phát triển tốt trước khi dịch bùng phát. May mắn hơn là Chính phủ Việt Nam đang áp dụng những biện pháp kịp thời để đối phó với dịch bệnh đồng thời quan tâm đến thúc đẩy kinh tế trong dài hạn.