Xấp xỉ 30% số y tá được khảo sát qua email nói rằng, họ có triệu chứng nhiễm SARS-Cov-2, virus corona mới gây dịch bệnh COVID-19, CNN ngày 16/4 dẫn kết quả nghiên cứu của Đại học Điều dưỡng Tây Ban Nha.
Khoảng 75% số y tá được khảo sát tin rằng, họ bị phơi nhiễm ở nơi làm việc, với 35% quy trách nhiệm cho việc thiếu đồ bảo hộ cá nhân.
Chính phủ Tây Ban Nha nói rằng, đến nay, 27.758 nhân viên y tế có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona mới, chiếm khoảng 15% tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này. Một số nhân viên y tế, bao gồm bác sĩ đã tử vong.
Là cơ quan chuyên môn về nghề điều dưỡng ở Tây Ban Nha, Đại học Điều dưỡng Tây Ban Nha hiện có hơn 300.000 thành viên.
Tính đến 3 giờ ngày 16/4, Tây Ban Nha có 177.633 bệnh nhân COVID-19 (số ca mắc cao thứ hai thế giới với 18.579 trường hợp tử vong, theo số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins.
Mỹ áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt hơn
Do hiện có số ca mắc COVID-19 cũng như tử vong cao nhất thế giới, Mỹ hiện áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay để hạn chế đại dịch lây lan.
Ngày 15/4 (giờ Mỹ), Thống đốc bang Virginia, ông Ralph Northam, quyết định gia hạn lệnh đóng cửa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vui chơi giải trí hoặc dịch vụ chăm sóc cá nhân, cũng như lệnh cấm tụ tập hơn 10 người đến ngày 8/5.
Theo Thống đốc Northam, lệnh “Hãy ở nhà” của bang Virginia sẽ có hiệu lực tới ngày 10/6. Ông nói không có ý định gia hạn lệnh này, nhưng tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên sẽ ra quyết định theo thực tế từng ngày.
Ngày 15/4, Virginia ghi nhận thêm 329 bệnh nhân COVID-19, nâng tổng số lên 6.500. Cùng ngày, bang này có thêm 41 trường hợp tử vong, nâng tổng số lên 195.
Thành phố Los Angeles thuộc bang California vừa quyết định, kể từ ngày 16/4, bất kỳ người nào ra khỏi nhà với lý do chính đáng (mua thực phẩm, giao hàng…) đều phải đeo khẩu trang.
Los Angeles vẫn cấm các sự kiện thể thao và các hoạt động tập trung đông người khác. Thành phố này đang cân nhắc cho các dự án xây dựng hoạt động trở lại, rồi mới tính đến tái mở cửa các trung tâm thể hình, phòng gym, quán bar, hộp đêm…
Thành phố San Francisco ở bang California vừa áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, số hóa quy trình làm việc để nhanh chóng tìm ra những người từng tiếp xúc với bệnh nhân và giám sát họ. Họ nhận được tin nhắn hoặc cuộc gọi để theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày. Chương trình theo dấu F1 này cũng cho phép họ tự báo cáo tình hình và giới chức y tế sẽ được cảnh báo ngay lập tức.
Đến nay, Sở Cứu hỏa thành phố New York có 698 thành viên mắc COVID-19. Xấp xỉ 2.500 thành viên của Sở đang nghỉ ốm, tính cả những người mắc các bệnh khác ngoài COVID-19 hoặc bị chấn thương.
Tính đến 3 giờ ngày 16/4, Mỹ có 619.607 ca mắc, 27.760 ca tử vong, theo Đại học Johns Hopkins.
Theo Trung tâm Phòng chống bệnh tật Mỹ, trong tổng số 605.000 ca mắc COVID-19 tính đến ngày 14/4, khoảng 73% trong độ tuổi 18-64; có 90.619 người trên 65 tuổi.
Nhiều người xếp hàng mua đồ ăn tại một tiệm tạp hóa ở thành phố Los Angeles. Ảnh: Getty Images.