APC, từ một cổ phiếu được đánh giá cơ bản tốt, đang bị gọi là một cú lừa với biến động cổ phiếu ngày càng thất thường. Trong 10 phiên gần nhất, cổ phiếu đã ghi nhận 2 phiên trần xen giữa là 7 phiên sàn liên tục. Với nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, APC đang gợi nhớ lại thời của những cổ phiếu penny ngày nào.
Sau khi đạt đỉnh hơn 90.000 đồng/cp, APC đã "đánh lại" được 2 vòng. Cổ phiếu này giảm xuống khoảng 67.000 đồng ngay sau khi đạt đỉnh, rồi sau đó lại lên ngược 84.000 đồng. Đó là khi doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý 4 chưa kiểm toán với kết quả kinh doanh đầy tích cực.
Vòng hai, APC sau khi chạm 85.000 đồng đã quay về ngưỡng 70.000 chỉ sau 3 phiên giảm mạnh liên tục. Giao dịch ở vùng 7x trong gần 1 tháng, cổ phiếu này bất ngờ sụt giảm mạnh về dưới 5x, trước khi ghi nhận phiên quay ngược đầu tiên trong sáng nay (16/3). Lúc đó, báo cáo tài chính kiểm toán được lật lại và những bất thường lộ ra.
Đi cùng với sự sụt giảm cũng là những bất thường về khối lượng giao dịch, thanh khoản của APC bình thường chỉ vài chục nghìn cp, cao thì 100.000 – 200.000 đơn vị nhưng phiên ngày 15/3, hơn 1 triệu cổ phiếu APC đã được khớp lệnh, phần lớn tại mức giá sàn. Đến sáng 16/3, tình hình đảo ngược khi thanh khoản đẩy lên gần 800.000 đơn vị và cổ phiếu quay đầu tăng trần.
APC vốn không có những bất thường như vậy, nếu xét về lịch sử giao dịch trong một thời gian dài. Chiếu xạ An Phú từng được "ca ngợi" là một trong những doanh nghiệp có biên lợi nhuận tốt nhất thị trường chứng khoán với một ngành nghề kinh doanh ở vị thế "độc quyền". Nhiều năm liền, biên lợi nhuận gộp của An Phú đều duy trì trên 50% với tỷ lệ ROE cao ngất ngưởng. Doanh nghiệp với nền tảng vay nợ ít, chủ yếu là vốn chủ sở hữu và lợi nhuận chưa phân phối.
Tuy nhiên, An Phú đã dần lộ ra những điểm bất hợp lý, cũng là nguyên nhân chính cho đợt sụt giảm gần đây của cổ phiếu này. Đặc biệt sau khi báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 và tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên được công bố.
Đầu tiên là sự chênh lệch ở khoản mục tiền và tương đương tiền. Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017, đến ngày 31/12 An Phú ghi nhận gần 15 tỷ đồng ở khoản mục này, chênh lệch không quá lớn so với đầu năm (17 tỷ). Tuy nhiên, nếu so với báo cáo quý IV do công ty tự lập thì mức chênh lệch trở nên bất thường.
BCTC chưa kiểm toán
BCTC đã kiểm toán
Theo báo cáo trước đó được An Phú công bố, đến ngày 31/12/2017, công ty ghi nhận hơn 90 tỷ đồng với 125 triệu là khoản tương đương tiền, còn lại là tiền mặt tại quỹ. Tuy nhiên, đến báo cáo kiểm toán, con số này hụt mất hơn 75 tỷ đồng. Thay vào đó phần tài sản này xuất hiện ở phần phải thu ngắn hạn, mà cụ thể hơn là trả trước người bán ngắn hạn.
Theo thuyết minh báo cáo kiểm toán 2017, An Phú ghi nhận khoản trả trước cho Corpex Asia Ltd với giá trị hơn 75 tỷ đồng. Khoản mục này chỉ mới xuất hiện trong quý IV/2017. Tuy nhiên công ty nhận khoản ứng trước này – Corpex Asia, lại là một doanh nghiệp chỉ mới dc thành lập cuối quý III.
Đây là công ty mới được thành lập ở Hong Kong từ ngày 25/8/2017 và tính đến thời điểm kết thúc năm 2017, công ty này mới hoạt động được 3 tháng 5 ngày, và đến hiện tại mới hoạt động hơn 6 tháng. Khoản trả trước cho Corpex Asia trùng khớp với số tiền hụt đi sau kiểm toán của An Phú.
Bản thân điều này cũng được phản ánh qua báo cáo lưu chuyển tiền tệ khi dòng tiền của An Phú từ HĐKD năm 2017 dương chưa tới 10 tỷ đồng, so với mức gần 40 tỷ của năm 2016. Nguyên nhân chính do phần tài sản gần 80 tỷ bị đối tác chiếm dụng ghi nhận phại thu tăng lên.
Chưa hết, đối tác được An Phú lựa chọn là cổ đông mua phát hành riêng lẻ Torus Capital Investment Ltd, cũng là doanh nghiệp tương tự như như Corpex Asia. Đây cũng là một công ty vừa mới được thành lập bên Singapore ngày 28/9/2017, tức ra sau hơn một tháng so với Corpex Asia. Trụ sở công ty được đặt tại SIF Building, Robinson, Singapore.
Ngoài những thông tin này, theo tài liệu họp đại hội năm nay, APC cũng đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận đều giảm sút đáng kể so với 2017. Trong đó, doanh thu dự kiến giảm 12% xuống mức 135,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm tới 52% còn 33 tỷ đồng so với năm trước.
Công ty cũng dự kiến trình ĐHĐCĐ thông qua việc triển khai các dự án quy mô lớn. Với dự án đầu tư Nhà máy chiếu xạ tại Bắc Ninh, tổng mức đầu tư dự kiến đạt trên 693 tỷ đồng, trong đó công ty vay vốn từ các tổ chức tín dụng lên tới 480 tỷ đồng, sử dụng vốn tự có hơn 213 tỷ đồng và từ các nguồn huy động khác nếu cần thiết. Công ty cũng trình cổ đông thông qua chủ trương đầu tư dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển ứng dụng công nghệ chiếu xạ - TP.HCM (APIRA) tại Quận 9, TP.HCM với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 1,324 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư chưa được APC đề cập đến.