Lựa chọn đồ gia dụng thế nào để tiết kiệm chi phí, đảm bảo chất lượng luôn là vấn đề khiến nhiều người băn khoăn. 8 mẹo nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn tối ưu chi phí khi mua đồ gia dụng.
1. Lên danh sách những món cần mua và ngân sách
Ảnh minh họa. |
Cần cân nhắc thật kĩ đối với từng món đồ, nhất là những sản phẩm có giá trị cao. Hãy làm phép so sánh giữa thứ bạn cần và thứ bạn muốn.
Do đó, trước khi đi mua sắm, hãy lên danh sách những món đồ cần mua. Đồng thời, dự trù ngân sách bạn có để lựa chọn sản phẩm phù hợp với túi tiền và nhu cầu của mình.
Việc này sẽ giúp bạn tránh việc mua sắm những món đồ không cần thiết, gây lãng phí tiền bạc.
2. Sử dụng model cũ
Đồ gia dụng được cải tiến liên tục với mẫu mã đẹp và tính năng ưu việt hơn. Nhưng nếu bạn không có nhu cầu sử dụng nhiều chức năng, lựa chọn model cũ là một cách khôn ngoan.
Khi các model mới ra đời, model cũ sẽ được giảm giá so với trước kia, giúp bạn tiết kiệm chi phí.
3. Lựa chọn các thiết bị đa năng
Nếu thấy các thiết bị tích hợp nhiều chức năng quá đắt đỏ, hãy thử làm một bài toán so sánh về độ tiện dụng và chi phí khi mua từng sản phẩm với tính năng riêng lẻ.
Ví dụ: chiếc máy xay hấp 4 in 1 bao gồm 4 chức năng: hấp, xay, rã đông và hâm nóng có giá thị trường vào khoảng 4 triệu đồng. Sản phẩm thay thế chức năng của một chiếc máy xay sinh tố, một chiếc nồi hấp mini và một lò vi sóng. Đây là một giải pháp tiết kiệm không gian cũng như tối ưu chi phí cho gia đình bạn.
Mặt khác, sử dụng thiết bị đa năng mang lại sự tiện dụng trong khâu vệ sinh cũng như vận chuyển, tiết kiệm tối đa thời gian dọn dẹp cho các bà nội trợ bận rộn.
4. Tham khảo đánh giá từ người dùng và chuyên gia
Nhờ có Internet, bạn hoàn toàn có thể tham khảo trải nghiệm của người dùng khác đối với sản phẩm đó. Bạn có thể dễ dàng tìm những chuyên trang về đánh giá sản phẩm để xem các bình luận trước đó cũng như ý kiến của chuyên gia.
Bước này sẽ giúp bạn có những đánh giá khách quan về sản phẩm trước khi quyết định mua.
5. Nắm rõ chính sách bán hàng
Hiện nay, nhiều siêu thị điện máy đưa ra các chính sách chiết khấu cao khi mua số lượng lớn, chính sách vận chuyển miễn phí, chính sách bảo hành hấp dẫn… Vì vậy, cần cân nhắc và lựa chọn mua hàng tại địa điểm phù hợp nhất.
6. Xem xét thông số kỹ thuật và tính toán chi phí vận hành
Đôi khi, bạn tưởng rằng mình đã mua được món hời, nhưng chúng lại ngốn điện gấp đôi khiến bạn “ngã ngửa”. Do đó, việc xem xét đến độ bền và điện năng tiêu thụ cũng quan trọng không kém với việc lựa chọn nhãn hàng.
Hãy suy nghĩ về mức giá rẻ nhất và mức giá tốt nhất, vì tuổi thọ trung bình của một sản phẩm thường là từ 10 – 15 năm. Bạn phải chi thêm vài triệu đồng cho một chiếc máy giặt lồng ngang nhưng sẽ tiết kiệm được hóa đơn tiền điện nước trong hàng chục năm so với máy giặt lồng đứng.
7. Tuân thủ hướng dẫn lắp đặt để tránh bị từ chối bảo hành
Đối với một số sản phẩm không có hỗ trợ lắp đặt, bạn phải trả thêm tiền cho công lắp đặt hoặc tự lắp. Điều quan trọng cần ghi nhớ là tuân thủ các hướng dẫn lắp đặt và vận hành. Bạn có thể sẽ bị từ chối bảo hành nếu có lỗi xảy ra trong quá trình lắp đặt dẫn đến không vận hành được và giảm tuổi thọ sản phẩm.
8. Săn hàng giảm giá
Vào dịp cuối năm hay các dịp lễ, các siêu thị điện máy thường đưa ra các mức giá khuyến mãi hấp dẫn để xả kho các mẫu mã cũ. Lựa chọn mua sắm vào những dịp này sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản nhất định và hưởng nhiều ưu đãi từ các chính sách lắp đặt, bảo hành, vận chuyển.
(Theo Pháp Luật và Bạn Đọc)