"Tôi hay nói đùa với anh em trong hiệp hội chúng ta là loại hình doanh nghiệp rủi ro, mạo hiểm nhất trong cộng đồng", ông Phan Đăng Tuất cho biết tại Tọa đàm trực tuyến "Hóa giải thách thức cho Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam" do báo Vietnamnet tổ chức.
Theo ông, đây là ngành sản xuất có tính đặc thù, mà chu trình của nó ngay từ đầu phải hội tụ được hai yếu tố: năng lực đầu tư sản xuất và thị trường đầu ra.
"Nếu đã làm được sản phẩm rồi thì phải xem có bán được hay không. Chi tiết linh kiện không thể mang ra thị trường bán khi ế ẩm", ông nói.
Đánh giá về tình hình các chính sách hỗ trợ cho ngành hiện nay, ông Tuất nhận định "đủ về hình dáng, chưa đủ về cấp độ". Ông cho rằng công nghiệp hỗ trợ cần phải có một luật riêng.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đồng ý với ông Phan Đăng Tuất khi gắn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vào trong chuỗi sản xuất.
"Doanh nghiệp không thể đứng riêng được", ông Cung nhấn mạnh. Ngoài ra, ông lưu ý thêm rằng các doanh nghiệp còn cần phải đáp ứng được các chuẩn riêng của các Tập đoàn đa quốc gia.
Do đó, chính sách không thể xây dựng từ trên xuống mà phải từ dưới lên, trong đó, những cơ quan, đơn vị chắp bút cần phải xem xét bên cầu – tức các tập đoàn – cần gì, bên cung – là các doanh nghiệp phụ trợ trong nước có gì, để có thể lấp đầy khoảng trống.
"Phải làm chính sách như thế chứ không phải nghĩ ra cái gì đấy rồi làm", Viện trưởng CIEM nói. Bởi theo phản hồi của các doanh nghiệp, chính sách của Việt Nam đang theo chiều hướng "nhập nguyên chiếc tốt hơn nhập linh kiện, sản xuất trong nước tốn kém hơn". Như vậy, chính sách đang khuyến khích ngược trong bối cảnh "sức khoẻ" doanh nghiệp yếu.
"Với công nghiệp đặc thù phải có những chính sách sắc sảo, sâu sắc, nếu làm đại trà thì không được", ông Tuất tiếp lời.
Trong những chuyến tìm hiểu ở thị trường nước ngoài, ông Tuất cho biết ấn tượng nhất là 8 chữ vàng được nhắc đến ở Hàn Quốc.
"Thời Tổng thống Park Chung Hee, nước này đã đề ra nguyên tắc: Cấm tập đoàn lớn làm chi tiết nhỏ. Trong đó, chỉ rõ 6 tập đoàn hàng đầu nước này không được làm 1.300 linh phụ kiện", ông Tuất nói.
Chính sách này đã tạo ra cơ hội cho hàng loạt doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước này tham gia sản xuất. "Giả sử mỗi doanh nghiệp chỉ làm 1 chi tiết, họ sẽ có thêm 1.300 doanh nghiệp", ông nói và nhấn mạnh. Cơ hội "được làm" đã khiến cho doanh nghiệp Hàn đổ xô bỏ vốn, bỏ công sức để tham gia sản xuất, còn nhà nước chỉ đóng vai trò người tạo ra sân chơi.
"Sau 3 năm, Hàn Quốc đã có hàng ngàn doanh nghiệp ra đời. Đấy là ví dụ cho một chính sách xuất sắc", ông Tuất nói.
Sự hỗ trợ, bảo hộ bằng chính sách của Hàn Quốc trong quá khứ có thể đặt ra câu hỏi về sự hợp lý cũng như độ vênh với Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế 94 triệu dân đã hội nhập sâu, rộng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Cung lại đưa ra quan điểm khác.
"Chúng ta hay nói rằng hiệp định này hiệp định kia ngăn cản nhưng tôi không nghĩ thế. Chúng ta còn nhiều dư địa trống để hỗ trợ cho ngành", ông nói.
Tính toàn cầu hoá cũng giúp cho Việt Nam có được một thị trường rộng lớn hơn. Bởi nếu các doanh nghiệp Hàn Quốc trước đó chỉ có thể cung ứng cho những Hyundai, Samsung thì doanh nghiệp Việt có thể bán cho nhiều tập đoàn đa quốc gia trên khắp thế giới.
"Đúng là với các hiệp định đã ký, các chính sách đưa ra rất dễ vi phạm cam kết tự do thương mại, nhưng vẫn có khoảng trống để đưa ra những thứ vừa không vi phạm, vừa hỗ trợ được doanh nghiệp", ông Phan Đăng Tuất nói thêm, thể hiện sự đồng tình.