Được thành lập năm 1957, BIDV (BID) là ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản và là một trong ba ngân hàng có mạng lưới lớn nhất. Được biết, Ngân hàng đã thực hiện IPO năm 2011 và niêm yết từ ngày 24/01/2014. Tuy nhiên, thời điểm phê duyệt thương vụ nhà đầu tư (NĐT) chiến lược chưa rõ ràng ảnh hưởng đến triển vọng của BIDV.
Theo BID cho biết, tỷ lệ CAR tính riêng ngân hàng mẹ chỉ cao hơn 9% trong khi CAR hợp nhất chỉ đạt 10,8%, là rất thấp so với tỷ lệ chung của hệ thống ngân hàng. Trong ĐHCĐ thường niên, ban lãnh đạo của BID cũng thông báo Ngân hàng đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với các NĐT nước ngoài, và đang chờ đợi sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trước khi chốt mức giá cho NĐT chiến lược.
Ngân hàng Hàn Quốc KEB Hana đang trong quá trình mua cổ phần BIDV?
Đó không chỉ là câu hỏi của riêng VCSC, mà là của thị trường nói chung thời gian qua. Vào đầu tháng 3/2018, một thông tin từ trang BusinessKorea cho biết Tập đoàn tài chính Hana Financial Group của Hàn Quốc đang có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam thông qua việc mua cổ phần của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Cụ thể, BIDV huy động thêm nguồn vốn mới thông qua tăng vốn điều lệ để cải thiện cấu trúc tài chính, và KEB Hana Bank sẽ mua phần cổ phiếu mới.
Trên thực tế, những đồn đoán về việc BIDV phát hành cổ phiếu cho đối tác Hàn Quốc này đã được nhắc đến từ lâu. Kế hoạch tăng vốn cũng được BIDV trình ĐHĐCĐ suốt hai năm gần đây nhưng chưa thể thực hiện được.
Một luận điểm khác hỗ trợ cho dự đoán trên của VCSC, ngày 5/1, Chủ tịch Tập đoàn tài chính Keb Hana Kim Jung Tai cũng đã đến Việt Nam và có buổi làm việc với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. Tại cuộc gặp này, Keb Hana cho biết hiện đang hợp tác tích cực với đối tác BIDV trong lĩnh vực tài chính để gia tăng giá trị của mỗi bên và giúp BIDV phát triển các dịch vụ tài chính, tín dụng.
Sẽ là yếu tố quan trọng để đưa BIDV tiến gần hơn sự đạt chuẩn Basel 2
Mặt khác, theo VCSC, trong khi quá trình phê duyệt hiện chưa có thời điểm rõ ràng, thương vụ này nếu thành công sẽ là yếu tố quan trọng để đưa hệ thống BIDV tiến gần hơn sự đạt chuẩn của Basel 2. Ngoài thương vụ phát hành cho các NĐT chiến lược, thương vụ phát hành 10% cho NĐT trong nước được đề cập tại ĐHCĐ thường niên có khả năng diễn ra khá thấp.
Do đó, VCSC sẽ không ghi nhận diễn biến tăng vốn này trong mô hình định giá, mà chỉ đưa ra giả định về các kết quả P/B và CAR dựa theo các kịch bản định giá khác nhau để tham khảo. Được biết, VCSC khuyến nghị khả quan với cổ phiếu BID của Ngân hàng tuy nhiên có điều chỉnh giảm giá mục tiêu xuống còn 35.300 đồng/cp, tương ứng với tổng mức sinh lời 15,3%. Những căn cứ cho mức giá trên:
(1) Thu nhập lãi ròng (NII) dự kiến sẽ tăng 24% theo năm, nhờ mức tăng NIM hợp nhất 12 điểm cơ bản;
(2) Thu nhập phí thuần (NFI) dự báo sẽ tăng 16,6% theo năm, đóng góp 7,3% cho tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh (TOI);
(3) Tỷ lệ Chi phí/Thu nhập (CIR) đạt ổn định 40%, cho phép BID tiếp tục phương thức dự phòng thận trọng trong năm 2018;
(4) Chi phí dự phòng sẽ tăng mạnh 26,4%, trong khi dư nợ bán cho VAMC ròng dự kiến giảm 33%;
(5) Tăng trưởng thu nhập ròng dự phóng 2018 là 10,1% theo năm;
Trên thị trường, cổ phiếu BIDV đang giao dịch tại mức 28.900 đồng/cp, như vậy mức giá hợp lý theo VCSC sẽ cao hơn 22% so với thị giá.
Biến động cổ phiếu BID một năm qua.
BIDV chuyển đổi chậm hơn so với Vietcombank!
Về tình hình hoạt động, BIDV có đưa ra các tín hiệu về một liên doanh bảo hiểm nhân thọ khác đang được triển khai. Hiện Ngân hàng đã nỗ lực xây dựng hệ thống bancasurrance với liên doanh bảo hiểm nhân thọ cùng MetLife kể từ năm 2013. Tuy nhiên, liên doanh này vẫn đang gặp khó khăn để thực hiện mục tiêu lọt vào trong top 10 công ty có thị phần lớn nhất. Có những tin đồn trong thị trường cho biết BIDV đang trong quá trình thoái vốn khỏi MetLife, và BIDV cho thấy quá trình chuyển đổi chậm hơn so với Vietcombank (VCB), VCSC khẳng định.
Mặt khác, cho vay bán lẻ và SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ) thúc đẩy lợi suất tài sản phát sinh lãi trong năm 2018, do đó VCSC ghi nhận tăng trưởng cho vay khách hàng giảm từ 19,8% trong năm 2017 còn 17% trong năm 2018. VCSC cho rằng 10 điểm cơ bản tăng trong lợi suất tài sản phát sinh lãi trong quý 1/2018 so với quý trước (QoQ) là do đẩy mạnh phân khúc SME, dự phóng danh mục cho vay bán lẻ sẽ tăng 40% và chiếm 37% dự nợ hiện tại. Tỷ trọng SME trong tổng dư nợ là xấp xỉ 25% trong năm 2017, và VCSC cũng kỳ vọng tỷ lệ này sẽ duy trì trong năm 2018.
Chi phí dự phòng vẫn là gánh nặng cho tăng trưởng lợi nhuận. Theo đó, BIDV sẽ tiếp tục phương pháp tích cực dự phòng tương tự năm 2017 và quý 1/2018, chi phí dự phòng nhiều khả năng tăng mạnh 24%, chiếm 40% TOI năm 2018, VCSC nhận định.
Hiện, BIDV là một trong những cổ phiếu ngân hàng có mức biến động cao nhất trong danh mục theo dõi của VCSC, đơn vị chứng khoán này đã nâng giả định hệ số beta từ 1 lên 1,1 lần.