8 ngành hàng đạt mức tăng trưởng trên 12%
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2018, Bộ Công thương cho biết, trong số 24 ngành cấp 2 thuộc nhóm ngành CNCBCT, nhóm các ngành có tốc độ tăng trưởng chỉ số sản xuất Công nghiệp (IIP) cao (tăng trên mức tăng 12,7% của toàn ngành) gồm 8 ngành: Dệt (tăng 13,2%); sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế (tăng 20,3%); sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (tăng 16,2%); sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (tăng 13,5%); sản xuất kim loại (tăng 20,7%); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (tăng 18,4%); sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học (tăng 17,5%); công nghiệp chế biến, chế tạo khác (tăng 18,4%). Đặc biệt là các ngành trong nhóm đều đạt tốc độ tăng trưởng dương (ngoại trừ ngành sửa chữa bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2017).
Tăng trưởng trong ngành sản xuất kim loại chủ yếu do đóng góp của Tập đoàn Formosa với sản lượng thép tháng 6.2018 gấp 8,7 lần cùng kỳ năm trước và 6 tháng gấp 8,1 lần)... Trong 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng sản xuất sắt thép thô; thép cán; thép thanh, thép góc tăng lần lượt là 43,7%; 5,3% và 16% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo ngành thép 2018 sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với mức tăng khoảng 20% so với năm 2017. Trong đó, sản xuất thép xây dựng tăng trưởng 10%, thép lá cuộn cán nguội tăng 5%, thép ống hàn tăng 15% và sản xuất tôn mạ và sơn phủ màu tăng 12%. Đặc biệt sản xuất thép cuộn cán nóng tăng mạnh nhất 154% so với năm ngoái nhờ vào việc Formosa Hà Tĩnh dự định tăng gấp đôi công suất sản xuất khi đưa lò cao số 2 (công suất 4 triệu tấn/năm) đi vào sản xuất trong 6 tháng cuối năm 2018 giúp nâng tổng công suất của Fomosa lên 7 - 8 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, một số dự án dự kiến được đưa vào hoạt động trong năm nay. Cụ thể, Tập đoàn Hòa Phát đưa vào hoạt động dự án thép cán khoảng 600 nghìn tấn trong tháng 8.2018; Tập đoàn Hoa Sen đưa thiết bị dây chuyền cán nguội, mạ kẽm/lạnh, mạ màu vào hoạt động với công suất 350 nghìn tấn; Cty Tung Ho cũng dự kiến đưa vào dây chuyền sản xuất công suất 600 nghìn tấn thép xây dựng trong 6 tháng cuối năm.
Dự báo sản xuất 6 tháng cuối năm
Đánh giá về phát triển ngành trong 6 tháng cuối năm, Bộ Công thương cho rằng, tiếp tục nhận được hiệu ứng tích cực từ triển vọng lạc quan về tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu, bên cạnh đó là các yếu tố tích cực nội tại, như: Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định hơn, niềm tin vào cải cách môi trường kinh doanh được củng cố, vị thế của 1 nước thu nhập trung bình và ưu tiên thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Chính sách công nghiệp quốc gia mới ban hành, là một bước đi mới nhằm định hình các ngành kinh tế quan trọng của đất nước.
Tuy nhiên, ngành công thương cũng phải đối mặt với các thách thức không nhỏ từ một số yếu tố rủi ro từ tình hình thế giới, như: Chủ nghĩa bảo hộ thương mại, căng thẳng địa chính trị và quá trình thắt chặt tiền tệ diễn ra sớm hơn dự kiến ở nhiều nền kinh tế có thể gây xáo trộn thị trường tài chính; rủi ro suy giảm tăng trưởng ở các bạn hàng lớn của Việt Nam như EU, Nhật Bản và Trung Quốc,...; thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với khả năng tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam và thu hút vốn FDI.