Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, trong tháng 8, xuất khẩu sắt thép các loại đạt 1,53 triệu tấn với trị giá gần 1,5 tỷ USD, tăng 33,8% về lượng và tăng 35,2% về trị giá so với tháng trước. So với tháng 8/2020, trị giá xuất khẩu của mặt hàng này cao gấp 2,5 lần. Đây là tháng có trị giá xuất khẩu sắt thép các loại cao nhất từ trước đến nay và là tháng thứ hai liên tiếp vượt 1 tỷ USD.
Xuất khẩu thép tháng 8/2021 gấp 2,5 lần cùng kỳ 2020
Tính đến hết tháng 8/2021, cả nước xuất khẩu 8,54 triệu tấn sắt thép các loại với trị giá đạt gần 7,1 tỷ USD; tăng 43,4% về lượng và 127% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Nhập siêu sắt thép đã rút khoảng cách đáng kể so với cùng kỳ 2020
Sắt thép các loại được các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường: ASEAN đạt 2,7 triệu tấn xấp xỉ mức xuất khẩu của cùng kỳ năm trước, Trung Quốc đạt 1,8 triệu tấn, giảm 13,2%. Ngược lại, xuất khẩu nhóm hàng này tăng vượt trội sang hai thị trường EU và Hoa Kỳ. Cụ thể, xuất khẩu sang EU đạt 1,43 triệu tấn, tăng 7,5 lần, sang Hoa Kỳ đạt 540 nghìn tấn, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu 7,73 tỷ USD sắt thép, tăng 42,6% về giá trị so với cùng kỳ 2020.
Điểm đáng lưu ý ở đây, là giá trị nhập siêu sắt thép 8 tháng đầu năm 2021 đã rút ngắn còn 670 triệu USD so với con số nhập siêu 2,3 tỷ USD của cùng kỳ 2020. Giá trị xuất khẩu tăng 2 tháng liên tiếp thời gian quan đang mở ra kỳ vọng kết thúc năm 2021 Việt Nam sẽ trở thành nước xuất siêu sắt thép sau hàng thập kỷ phụ thuộc vào sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), mặt hàng tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong xuất khẩu là HRC, mức tăng 145% so với cùng kỳ 2020 nhờ Formosa đẩy mạnh xuất , tiếp theo là tôn mạ tăng trưởng 115%, khi top 5 các doanh nghiệp tôn mạ xuất khẩu từ 50-67% sản lượng sản xuất (gần 2/3), xuất khẩu thép cán nguội tăng 45% và xuất khẩu thép xây dựng tăng 27%, duy nhất ống thép giảm gần 10%.
Số liệu của Hiệp hội thép cho thấy, 54% sản lượng tôn mạ sản xuất ở Việt Nam được xuất khẩu, tỷ lệ này ở HRC là gần 20%, thép xây dựng là hơn 16%.
Khi Formosa đã đi vào vận hành ổn định và Hoà Phát chạy hết công suất dây chuyền sản xuất HRC, tiêu thụ bán hàng HRC tăng gần 113% trong 8 tháng đầu năm 2021, đạt hơn 4,85 triệu tấn so với mức 2,2 triệu tấn của cùng kỳ năm trước.
Mặc dù tháng 8 tiêu thụ thép xây dựng giảm mạnh nhất 5 năm do các địa phương giãn cách xã hội chặt chẽ, tuy nhiên 8 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp thép lớn đều có tăng trưởng dương 2 chữ số.
Dù giãn cách xã hội ảnh hưởng mạnh đến ngành thép, tuy nhiên điều này gần như ít ảnh hưởng đến các doanh nghiệp tôn mạ, bởi gần 2/3 sản lượng sản xuất của họ dành cho xuất khẩu. Hoa Sen, Tôn Nam Kim xuất khẩu 67% và 69% sản lượng sản xuất.
Trước sức ép của giá thép trong nửa đầu năm 2021, Bộ Tài chính đã nghiên cứu đề xuất điều chỉnh các loại thuế để bình ổn giá thép trong nước, như giảm thuế nhập khẩu phôi thép, tăng thuế xuất khẩu mặt hàng phôi thép..Tuy nhiên, Hiệp hội thép đã gửi văn bản góp ý kiến về các đề xuất này và cho rằng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp thép trong nước hoàn toàn đáp ứng nhu cầu nội địa. Việc giá thép tăng thời gian trước hoàn toàn do ảnh hưởng bởi giá nguyên liệu đầu vào như quặng sắt. Ở thời điểm hiện tại, giá quặng sắt đã hạ nhiệt đáng kể, giảm áp lực lên giá thép trong nước và các dự án đầu tư công.
Giá quặng sắt lao dốc, giảm 50% trong 2 tháng qua - Nguồn: Investing.com
Giá HRC tại các thị trường - nguồn: VSA