Thương hiệu Viettel đứng thứ 355 thế giới trong Brand Finance Global 500, tăng 126 bậc so với năm 2019. Đây là mức thăng hạng cao nhất trong bảng xếp hạng toàn cầu năm nay.
Bên cạnh việc là thương hiệu có mức thăng hạng cao nhất trên bảng xếp hạng Brand Finance Global 500 năm 2020, Viettel cũng đạt mức tăng trưởng giá trị thương hiệu cao nhất thế giới trong lĩnh vực viễn thông. Thương hiệu Viettel hiện đứng thứ 102 châu Á và Top 7 ở Đông Nam Á.
Theo đánh giá của Brand Finance, trong bối cảnh chịu sức ép từ các ứng dụng OTT (dịch vụ cho phép gọi điện và nhắn tin miễn phí), tổng giá trị dự báo cho năm 2020 của các thương hiệu viễn thông trong Brand Finance Global 500 giảm xuống còn 558,4 tỷ USD, so với 567,7 tỷ USD vào năm 2015. Nguyên nhân là các thương hiệu viễn thông lớn của thế giới đang chịu sức ép vì sự tăng trưởng của OTT ảnh hưởng đến doanh thu thoại và tin nhắn. Bên cạnh đó, các công ty công nghệ mới đang cung cấp dịch vụ dữ liệu tương đương với mức giá thấp hơn, dẫn đến một cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá và làm giảm tỷ suất lợi nhuận.
Khi ngành viễn thông đã và đang trở nên bão hòa, lợi nhuận sẽ dần rơi vào các công ty cung cấp dịch vụ Internet. Để chuyển mình, các nhà mạng chủ động triển khai công nghệ mới để tạo ra các nền tảng dẫn dắt thị trường sẽ là những thương hiệu được thăng hạng.
Gã khổng lồ AT & T của Mỹ là thương hiệu viễn thông giảm giá trị nhanh nhất trong năm nay (giảm 32% xuống còn 59,1 tỷ USD). Giống như đối thủ lớn nhất Verizon Wireless, AT & T lần đầu tiên sau gần một thập kỷ bị rớt khỏi Top 10 thương hiệu giá trị nhất thế giới.
Công ty này đã nỗ lực đa dạng hóa danh mục giải trí của mình trong vài năm qua: mua lại WarnerMedia, một phần trong kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào kinh doanh dịch vụ viễn thông và truyền hình trả tiền truyền thống, vì cả hai dòng doanh thu đã dần bão hòa trong những năm qua.
Với vai trò là cơ hội lớn tiếp theo cho ngành viễn thông, mạng 5G đang chứng kiến một cuộc đua khốc liệt, với việc Huawei mở rộng sang các thị trường mới. Mặc dù là tâm điểm của nhiều tranh cãi, nhưng gã khổng lồ Trung Quốc đã có những bước tiến rõ ràng. Với giá trị thương hiệu là 65,1 tỷ USD, lần đầu tiên Huawei lọt vào Top 10 thương hiệu có giá trị nhất thế giới.
Brand Finance nhận xét: "Ngoài tăng trưởng doanh thu với dịch vụ 4G và ở các thị trường nước ngoài, Viettel cũng có số lượng khách hàng đăng ký dịch vụ di động số lớn nhất tại Việt Nam (chiếm khoảng 53% thị phần). Viettel là công ty viễn thông đầu tiên thử nghiệm thành công mạng 5G tại Việt Nam, rõ ràng đây là một cái tên đầy hứa hẹn trong tương lai".
Dù thị trường đã dần bão hòa, lĩnh vực viễn thông của Viettel vẫn tăng trưởng 6,4%, gấp gần 2 lần trung bình của thế giới. Bên cạnh đó, lĩnh vực đầu tư nước ngoài của Viettel cũng tăng trưởng 24,4%, gấp 6 lần trung bình thế giới. Tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài của Viettel đạt gần 42.000 tỷ VND (gồm 10 thị trường và chưa hợp nhất số liệu), đóng góp 2.200 tỷ VND lợi nhuận trước thuế - gấp 2 lần so với kế hoạch dự kiến.
Là nhà mạng sở hữu hạ tầng 3G/4G lớn nhất Việt Nam với hơn 70.000 trạm phát sóng, Viettel có số thuê bao 3G/4G lớn nhất và liên tục tăng trưởng tốt, đặc biệt là thuê bao 4G. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2019, lượng thuê bao 4G đã tăng gấp đôi so với năm 2018, đạt 21 triệu thuê bao, chiếm 65% tổng số thuê bao đang sử dụng data trên mạng Viettel.
Về công nghệ mới, nếu trên thế giới chỉ mới có 6 công ty sản xuất thành công các thiết bị mạng cho 5G bao gồm: Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung, ZTE và Viettel, thì chỉ có duy nhất Viettel vừa là nhà khai thác viễn thông, vừa có khả năng sản xuất các thiết bị mạng.
Mạng 5G cũng được Viettel triển khai thử nghiệm tại một số thị trường nước ngoài như Lào, Campuchia, Myanmar. Kinh nghiệm triển khai 5G của Viettel lần đầu tiên được đưa vào sách trắng của nhà sản xuất thiết bị Nokia để hướng dẫn triển khai thực tế tại các quốc gia khác. Theo dự kiến, Viettel sẽ thiết bị 5G bản thương mại do mình sản xuất trong năm 2020.
Chia sẻ về đánh giá của Brand Finance trong việc thăng hạng mạnh mẽ của thương hiệu Viettel trên bảng xếp hạng Global 500 năm 2020, một lãnh đạo của Tập đoàn Viettel cho biết: "Việc thực hiện quyết liệt và có kết quả với chiến lược chuyển đổi số trong năm 2019 của Viettel là lý do quan trọng".
Lãnh đạo này phân tích, giữ được mức tăng trưởng cao về doanh thu so với mặt bằng chung của ngành viễn thông thế giới là nhờ chuyển mạnh sang cung cấp data khi mà dịch vụ thoại và SMS giảm sút do OTT. Điều này có được nhờ việc đẩy mạnh hạ tầng 4G – một nền tảng quan trọng của xã hội số mà Viettel tập trung đầu tư lớn. Bên cạnh đó, việc tự chủ và sản xuất thành công bước đầu với thiết bị 5G đầu năm 2020 cũng nằm trong định hướng chuyển đổi số và mục tiêu kiến tạo xã hội số tại Việt Nam mà Viettel đã đặt ra từ năm 2019.