Sáng 5/3, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức họp báo công bố kết quả nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm Real-time RT-PCR one step phát hiện vi rút corona (SARS-CoV-2) để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện. Bộ sinh phẩm Real-time RT-PCR one step đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký vào chiều tối qua 4/3.
Sản xuất bộ kit phát hiện SARS-CoV-2 đạt chuẩn WHO
Chia sẻ tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho hay, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút corona chủng mới (Covid - 19), ngay chiều mùng 6 tết, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức buổi họp khẩn với các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu bàn về các định hướng nghiên cứu góp phần phòng chống dịch bệnh Covid - 19.
Tại buổi họp các chuyên gia, các nhà khoa học đã thống nhất kiến nghị Bộ KH&CN tập trung vào các hướng nghiên cứu về dịch tễ học, vi rút học, phác đồ điều trị đặc biệt là chế tạo bộ sinh phẩm (bộ kít) phát hiện vi rút corona chủng mới (nCoV).
Chỉ sau buổi họp vài ngày, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã ký Quyết định phê duyệt đặt 04 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đột xuất góp phần phòng chống dịch bệnh, trong đó có đề tài "Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm Real-Time RT-PCR phát hiện vi rút corona chủng mới (nCoV)" do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện.
Đến nay, 2 đơn vị đã hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo được bộ kít Real-Time RT-PCR one step phát hiện nCoV.
"Dịch đã có nhiều nhưng chưa bao giờ quy mô trầm trọng như giai đoạn này. Nguyên nhân do xã hội loài người đã phát triển nên việc giao lưu rộng hơn. Tần suất xuất hiện các bệnh quy mô lớn chưa bao giờ dày như này trên quy mô toàn cầu. Quy mô lớn hơn nhiều và độ nguy hiểm cũng thay đổi. Theo đó, bệnh dịch như thế sẽ làm thay đổi hành vi toàn cầu.
Bộ kit này đặc biệt quan trọng trong phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, ai dương tính hay âm tính với SARS-CoV-19 sẽ cho ra kết quả ngay. Ngoài ra, trong trường hợp bùng phát dịch bệnh, Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động về nguồn cung bộ kit test Covid-19, cả về mặt giá cả và số lượng, không phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài", Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc nhấn mạnh.
Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y thông tin thêm, các thí nghiệm kiểm định tiêu chí độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác, độ lặp lại thực hiện tại Labo chuẩn thức của Công ty cổ phần Việt Á và Học viện Quân y. Kết quả cho thấy bộ kit đáp ứng tiêu chí tương đương bộ sinh phẩm do US CDC và WHO sản xuất.
Kiểm định độc lập tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, đánh giá trên các mẫu bệnh phẩm, tương thích với 5 loại thiết bị phổ biến ở các cơ sở y tế trong nước đều cho kết quả chính xác 100% ở tất cả các lần thử nghiệm. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định, bộ sinh phẩm được khuyến cáo sử dụng để phát hiện nCoV.
Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, tính đến 6h30 ngày 5/3 trên thế giới có 95.049 trường hợp mắc Covid -19. Riêng tại Trung Quốc đại lục: 80.269 ca. Có 81 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung quốc xuất hiện người nhiễm bệnh với 14.780 trường hợp. Tổng số trường hợp tử vong trên thế giới là 3.252, tại Trung quốc đại lục chiếm 2.981 ca. Tại 81 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung quốc có 271 người chết vì Covid-19. |
Trung tướng Quyết cho biết thêm, khi có kết quả nghiên cứu các nhà khoa học đã gửi đến tạp chí virus học quốc tế Vigology. Tạp chí này đã gửi nghiên cứu đến WHO, tổ chức này lập tức liên hệ với Học viện Quân y xin phép chia sẻ nghiên cứu với thế giới, để lấy làm mục tiêu nghiên cứu của các phòng thí nghiệm khác. "Học viện Quân y đã đồng ý", Trung tướng Quyết nói.
400 nghìn – 600 nghìn/bộ gồm 50 test
Tại cuộc họp báo, ông Phan Quốc Việt – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á cho biết, ngay sau khi được cấp số đăng ký thì công ty đã bắt tay vào tổ chức sản xuất bộ kít test phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Hiện tại năng lực sản xuất của công ty khoảng 10.000 bộ kít/ngày, khi cần huy động có thể tăng công suất lên 3 lần (khoảng 30.000 kít/ngày), hoàn toàn đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, hoặc hỗ trợ quốc tế.
Chi phí sản xuất bộ Kit đã được Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ nên hiện giá chỉ còn 400 nghìn – 600 nghìn đồng/bộ. Giá thị trường của CDC Mỹ cao hơn gấp 4 lần, nhưng chưa sản xuất thương mại, ông Việt cho biết.
1 bộ kit gồm 50 test, dùng 50 lần. Theo lý thuyết, dùng cho 50 bệnh nhân. Như vậy với đơn giá này, tính tương đối, mỗi bệnh nhân chỉ mất 8 nghìn đồng – 12 nghìn đồng/test.
Năng lực sản xuất này được cơ quan chức năng đánh giá có thể đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu một phần. Ngoài Việt Nam, WHO, Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Đức đã có kit thử.