Sau 2 trận mưa muộn vào tháng 11 và đầu tháng 12, nhiều diện tích cà phê ở tỉnh Kon Tum đã ra hoa trái vụ, khiến việc chăm sóc của người trồng loại cây này gặp nhiều khó khăn. Không chỉ vậy, hậu quả của việc cà phê ra hoa trái vụ còn ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng niên vụ sau.
Sau những trận mưa vào giữa tháng 11 và đầu tháng 12, hầu hết diện tích hơn 8.000ha cà phê ở huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum bắt đầu ra những đợt hoa không mong đợi.
Trên cây cà phê vừa có quả vừa có hoa khiến người dân phải thực hiện quy trình ngược, cắt cành tạo hình sau khi cà phê đã ra hoa.
Anh Nguyễn Văn Mạnh, một người dân địa phương cho biết, việc trên cây cà phê vừa có quả chín lại vừa có hoa khiến quá trình thu hoạch quả và chăm sóc cây gặp nhiều khó khăn. Gia đình vừa thu hoạch quả vừa sợ cà phê rụng hoa. Đến khi thu hoạch xong cũng không thể tỉa cành tạo hình và vệ sinh vườn cây theo đúng quy trình kỹ thuật.
“Ngày trước mỗi khi cắt cành xong tiến hành tưới nước, cà phê mới ra hoa nhưng giờ khí hậu đã thay đổi, cà phê bung hoa sớm người trồng chăm sóc vất vả và tốn kém hơn, cùng với đó cà phê sẽ giảm sản lượng”, anh Mạnh cho biết.
Trong đợt mưa giữa trung tuần tháng 11, cây cà phê ở huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum ra khoảng 5% hoa và khoảng 15% trong đợt mưa thứ hai vào đầu tháng 12. Ông Lê Văn Hiển, Trưởng phòng Nông nghiệp, Công ty TNHH MTV cà phê 731, cho biết, việc cà phê ra hoa sớm, dẫn đến thiệt hại cả trước mắt cũng như lâu dài.
“Lượng hoa cà phê ra thêm tăng từ 15% - 20% bình thường sẽ chín vào khoảng tháng 8 và tháng 9, đây là thời điểm Đăk Hà đang mưa nên việc thu hoạch cũng như chế biến rất khó khăn. Nhưng nếu không hái, cứ để quả khô sẽ sinh ra một số sâu bệnh kéo theo chất lượng cà phê giảm xuống”, ông Hiển cho biết./.