Như vậy là chính xác 1 năm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt bút ký sắc lệnh rút Mỹ ra khỏi hiệp định tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP, 11 nước còn lại – trong đó có Việt Nam – vừa đạt được 1 thắng lợi lớn khi hoàn tất đàm phán để tiến đến 1 phiên bản mới không có Mỹ sau khi kết thúc 2 ngày đàm phán tại Tokyo vào chiều nay (23/1).
Theo kênh truyền hình Nhật NHK, hiệp định mới sẽ có tên gọi CPTPP, sẽ được ký kết vào ngày 8/3 tới tại Chile.
Sau khi có hiệu lực, hiệp định sẽ giúp giảm đáng kể các loại thuế trên nhiều loại hàng hóa. Và dù không có Mỹ, nó vẫn tạo thành 1 khối thương mại đầy hấp dẫn với thị trường rộng lớn khoảng 500 triệu dân và tổng GDP đạt 10.000 tỷ USD.
CPTPP được xây dựng trên cơ sở TPP. Trong cuộc họp tháng 11 năm ngoái tại Đà Nẵng, các nhà đàm phán đã đồng ý "đóng băng" 20 điều khoản của hiệp định ban đầu, hầu hết là về quyền sở hữu trí tuệ. Theo NHK, sau cuộc họp vừa qua các quan chức cấp cao đã đồng ý đóng băng thêm 2 điều khoản nữa, liên quan đến việc cấm đối xử đặc biệt với doanh nghiệp nhà nước như Malaysia đã yêu cầu.
Năm ngoái ở Đà Nẵng, trong các cuộc đàm phán bên lề APEC, Canada đã trở thành "chướng ngại vật" lớn nhất khiến CPTPP gặp trở ngại. Nước này muốn bảo hộ mạnh hơn các ngành liên quan đến văn hóa như điện ảnh, truyền hình và âm nhạc, đồng thời cũng không hài lòng với quy tắc về xuất xứ đối với xe hơi. Tuy nhiên các trở ngại đã được xóa bỏ sau cuộc họp ở Tokyo.
Thông cáo từ Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cho biết đại diện các nước đã chốt lại danh sách các điều khoản sẽ bị đóng băng và hoàn thành quá trình xác thực thỏa thuận về mặt pháp lý. "Kết quả này tái khẳng định các nước tham gia CPTPP đồng lòng cam kết hướng tới tự do thương mại và hội nhập trong khu vực".
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi thì cho rằng CPTPP sẽ "là cỗ máy chống lại chủ nghĩa bảo hộ" đang nổi lên trên nơi trên thế giới.