Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, chiều 10/1, BHXH Việt Nam cho biết, năm 2021, BHXH Việt Nam đã thích ứng linh hoạt với diễn biến dịch COVID-19, bảo đảm tốt nhất quyền lợi người dân.
Tiêu biểu như triển khai hiệu quả gói hỗ trợ trên 38.000 tỷ đồng, chỉ sau 5 ngày, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc thông báo điều chỉnh mức đóng (giảm từ 1% xuống 0%) vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 363.000 nghìn đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,676 triệu lao động với số tiền khoảng 7.595 tỷ đồng, đã chi trả chế độ hỗ trợ cho 12.941.196 lao động với số tiền khoảng 30,73 nghìn tỷ đồng.
Năm 2021, trong điều kiện kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, độ bao phủ bảo hiểm vẫn tăng lên. Đặc biệt là có hơn 1,45 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,96% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức. Con số này cao hơn 1,96% so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28.
Công tác quản lý Quỹ Bảo hiểm đảm bảo an toàn, sử dụng quỹ đúng hướng, lãi suất tăng lên. Cụ thể, số dư của 3 quỹ (BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp) đã đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2020, tiết kiệm 10-15% chi phí quản lý.
Đặc biệt, quỹ được BHXH Việt Nam sử dụng trên 86% mua trái phiếu Chính phủ, còn lại gửi các Ngân hàng thương mại Nhà nước xếp loại tốt, lãi suất đầu tư bình quân 4,8%, cao hơn 3% so với chỉ số lạm phát năm 2021.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhận định dù đạt được nhiều kết quả tốt nhưng đến nay BHXH Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc như: Khuôn khổ pháp lý hiện hành còn có vướng mắc cần phải được rà soát, hoàn thiện, nhất là một số quy định tại các luật liên quan, khó khăn trong mở rộng độ bao phủ.
Bên cạnh đó, tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH có xu hướng tăng, việc giải quyết chế độ đối với người lao động trong trong trường hợp doanh nghiệp nợ BHXH mà giải thể, phá sản hoặc chủ là người nước ngoài bỏ trốn còn vướng mắc, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế vẫn còn xảy ra…
Phó thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, năm 2022, dịch COVID-19 sẽ tiếp tục diễn biến khó lường tiếp tục ảnh hưởng đến việc thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo an sinh xã hội, vì vậy Phó thủ tướng yêu cầu BHXH Việt Nam khắc phục các vướng mắc nêu trên và tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Theo đó, tiếp tục mở rộng độ bao phủ, đẩy mạnh phát triển số người tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, giải quyết chế độ bảo hiểm chính xác, kịp thời, thuận tiện, tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ người dân, khuyến khích giải quyết hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và chi trả không dùng tiền mặt.
Tiếp tục triển khai kịp thời các chương trình hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đánh giá kết quả thực hiện, đề xuất sửa đổi, bổ sung, đảm bảo thực hiện kịp thời, hiệu quả chế độ, chính sách cho các đối tượng được thụ hưởng chế độ bảo hiểm, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm linh hoạt, hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, lãng phí, trốn đóng, gian lận, trục lợi Quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Tập trung thu hồi các khoản chi sai mục đích, sai quy định, các khoản nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm.
Đặc biệt, Phó thủ tướng yêu cầu, năm 2022 phải quản lý các Quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế an toàn, bền vững và hiệu quả. “Chúng ta đã làm tốt nhưng cần tiếp tục nghiên cứu để dành phần lớn nguồn quỹ tham gia vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Quỹ này mà có vấn đề gì thì rất gay go”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, trong đó yếu tố quan trọng hàng đầu là yếu tố con người.