Trong bối cảnh những bất ổn do Brexit, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung... đang ảnh hưởng lớn tới các ngành công nghiệp trên toàn cầu, nhiều công ty lớn được dự báo sẽ gặp nhiều sóng gió trong năm 2019, theo MSN.
1. General Motors
Tháng trước, General Motors (GM), nhà sản xuất ôtô lớn nhất tại Mỹ, tuyên bố sẽ đóng cửa 7 nhà máy và sa thải hơn 14.000 nhân viên trên toàn thế giới tới cuối năm 2019. Động thái này nhằm ứng phó với doanh số tại Mỹ suy giảm, thuế nhôm, thép tăng và mục tiêu giảm 6 tỷ USD chi phí.
Động thái này cũng nằm trong kế hoạch rút khỏi các thị trường lớn như Anh và châu Âu của GM. Tuy nhiên, theo Autocar, GM vẫn là một trong những hãng xe có lợi nhuận lớn nhất thế giới và việc cắt giảm chi phí sẽ giúp hãng này duy trì lợi nhuận.
2. Huawei
Trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 thế giới nhưng Huawei vẫn phải "đau đầu" với những quan ngại về rủi ro liên quan với thiết bị viễn thông của mình. Không giống các hãng công nghệ lớn khác của Trung Quốc, Huawei có hoạt động kinh doanh chủ yếu ở nước ngoài.
Tuy nhiên, các cơ quan tình báo Mỹ cho rằng thiết bị của hãng này có thể là "sân sau" gián điệp cho chính phủ Trung Quốc. Thiết bị của Huawei đã bị cấm sử dụng trong mạng viễn thông 5G tương lai tại các nước Mỹ, Australia và New Zealand. Nhiều nước khác cũng đang cân nhắc ra ra lệnh cấm tương tự.
Bên cạnh những lo ngại về an ninh liên quan tới thiết bị viễn thông, một mối đe dọa khác đối với Huawei là vụ giám đốc tài chính Sabrina Meng Wanzhou bị bắt gần đây và cáo buộc gian lận liên quan tới vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ với Iran. Vụ bắt giữ khiến cổ phiếu Huawei sụt mạnh.
3. Facebook
Mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook báo kết quả kinh doanh quý 3 gây thất vọng khi lượng người dùng hoạt động hàng ngày và hàng tháng không đạt dự báo của các nhà phân tích. Bên cạnh đó, Facebook cũng phải đối mặt với những quan ngại ngày càng gia tăng về vấn đề bảo mật thông tin người dùng và việc phát tán thông tin sai lệch qua nền tảng mạng xã hội này.
Hiện Facebook đang bị bang Washington khởi kiện bởi vụ bê bối liên quan tới công ty Cambridge Analytica. Năm 2018, hàng loạt bê bối đã khiến cổ phiếu Facebook lao đao, và "thổi bay" gần 18 tỷ USD tài sản của CEO Mark Zuckerberg.
4. Air France-KLM
Air France mới bổ nhiệm tân CEO Anne Rigail - nữ điều hành đầu tiên của hãng hàng không này. Tuy nhiên, bà Rigail sẽ phải đối mặt hàng loạt thách thức trong năm tới. Trước hết là việc thỏa thuận lương với phi công và phi hành đoàn sau hàng loạt cuộc biểu tình của người lao động thời gian qua khiến hãng này thiệt hại hàng triệu Euro, mất niềm tin của người tiêu dùng và dẫn tới việc cựu CEO của công ty mẹ Air France-KLM phải từ chức.
Hồi tháng 10, CEO Ben Smith của Air France-KLM cam kết theo đuổi một chiến lược "đổi mới" sau khi tập đoàn này báo lợi nhuận hoạt động quý 3 đạt 122 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả Air France và KLM đều có lợi nhuận giảm, nhưng biên lợi nhuận 18% của hãng hàng không Hà Lan vượt xa đối tác Pháp, làm gia tăng căng thẳng giữa hai bên.
Trong báo cáo triển vọng kinh doanh công bố hôm 31/10, Air France nhận định bối cảnh kinh tế thời gian tới còn nhiều bất ổn do các rủi ro địa chính trị và giá nhiên liệu toàn cầu tăng.
5. Deutsche Bank
Theo nhà phân tích Mark Whitehouse trên tờ Bloomberg, Deutsche Bank - ngân hàng lớn nhất tại Đức, đang trong "tình cảnh tồi tệ". Bên cạnh loạt thất bại trong việc cắt giảm chi phí của các CEO, doanh thu của nhà băng này liên tục sụt giảm.
Trong khi đó, nhân viên của ngân hàng này trên khắp thế giới đang bị điều tra với cáo buộc có liên quan tới nhiều vụ rửa tiền. Hồi tháng 10, Deutsche Bank báo lợi nhuận trước thuế đạt 577,5 triệu USD trong quý 3, giảm gần một nửa từ 1,06 tỷ USD cùng kỳ năm trước.
CEO của Deutsche Bank - Christian Sewing, đã phải thừa nhận rằng các kế hoạch cắt giảm chi phí đang có ảnh hưởng lớn hơn dự báo. Kể từ khi ông tiếp tục đảm nhiệm vị trí CEO vào đầu năm nay, nhà băng này đã sa thải 2.300 nhân viên và dự kiến giảm thêm 4.700 nhân sự nữa vào cuối năm sau.
Trong khi đó, giám đốc tài chính James von Moltke nói với các nhà phân tích rằng ngân hàng cần tiếp tục các kế hoạch cắt giảm chi phí và nhận định mục tiêu giảm 23,97 tỷ USD chi phí vào năm 2021 được đưa ra ban đầu là chưa đủ lớn.
6. Tata Motors
Năm 2018, giá cổ phiếu của nhà sản xuất ôtô Ấn Độ Tata Motors liên tục đi xuống trong bối cảnh doanh số giảm, bị hạ xếp hạng cũng như khủng hoảng xảy ra tại công ty con ở Anh - Jaguar Land Rover (JLR). Hồi tháng 7, Tata Motors báo quý lỗ đầu tiên trong gần 3 năm, một phần bởi doanh số xe sang tại thị trường Trung Quốc của JLR giảm. Tuy nhiên, CEO Ralf Speth của JLR - công ty được Tata Motors mua vào năm 2008, khi đó vẫn tỏ ra lạc quan và dự báo doanh số và kết quả tài chính sẽ được cải thiện trong thời gian còn lại của năm.
Tuy nhiên, JLR dự kiến sẽ sa thải hàng nghìn nhân viên trong năm 2019 trong một kế hoạch cải tổ. Trong quý 3, do ảnh hưởng của nhu cầu xe chạy dầu diesel giảm và chi phí chuẩn bị cho Brexit, JLR báo lỗ 113,8 triệu USD và đã sa thải 1.000 nhân viên tại Anh. Theo nhà phân tích Robin Zhu của Bernstein, công ty này có thể sẽ sa thải thêm 5.000 nhân viên nữa. "Đây là thời điểm phải làm hoặc là chết", Zhu nhận định.
7. Ford
Trong quý 3, Ford báo kết quả kinh doanh vượt dự báo, phần lớn nhờ doanh số xe tải cao bù đắp cho lượng bán sụt giảm ở các dòng xe hơi. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng của nhà sản xuất ôtô Mỹ giảm xuống 1 tỷ USD từ mức 1,6 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Ford cũng có kế hoạch dừng sản xuất nhiều dòng xe gồm Mondeo và S-Max, để tập trung vào các dòng xe thể thao, nằm trong kế hoạch cải tổ trị giá 11 tỷ USD công bố hồi đầu năm.
Nhằm cắt giảm chi phí, Ford đang đàm phán với đối thủ Đức Volkswagen để phát triển dòng xe tải và có thể cả xe tự lái. Tuy nhiên, giống nhiều nhà sản xuất Mỹ khác, Ford phải đối mặt với tình trạng giảm doanh số, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc và có thể còn gặp nhiều khó khăn hơn nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không được giải quyết.
8. Goldman Sachs
Giá cổ phiếu của ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs mới đây chạm đáy 2 năm do những rắc rối liên quan tới bê bối tham nhũng 1MDB của Malaysia. Ngân hàng này đang bị Malaysia kiện đòi bồi thường 7,5 tỷ USD với cáo buộc đóng vai trò đảm bảo và trung gian cho 3 lần phát hành trái phiếu của quỹ nhà nước 1MDB. Goldman Sachs liên tục phủ nhận các cáo buộc sai phạm.
Các cựu giám đốc của Goldman Sachs - Tim Leissner và Roger Ng đã bị Mỹ và Malaysia cáo buộc hình sự. Leissner bị cấm tham gia thị trường chứng khoán Singapore trọn đời sau khi thừa nhận âm mưu rửa tiền qua 1MDB và vi phạm Luật Chống Tham nhũng tại nước ngoài của Mỹ. Nhà phân tích Jeff Harte của Sandler O'Neill & Partners cho rằng khó để định lượng những ảnh hưởng của các cáo buộc này đối với Goldman Sachs và cho rằng nhà băng này nên tăng khối tiền mặt dự phòng để xử lý vụ việc.
9. Sears
Cuối tháng 10, hãng bán lẻ biểu tượng một thời của Mỹ Sears đệ đơn xin bảo hộ phá sản và hiện đối mặt với một tương lai bất định. Công ty này đang tìm người mua lại các tài sản, trong đó có khoảng 100 cửa hàng, nhằm giữ cho các cửa hàng Sears và KMart còn lại tiếp tục hoạt động.
Tuy nhiên, các luật sư của Sears cho biết công ty này cũng sẽ cân nhắc những nhà thầu muốn đóng cửa công ty. Quyết định cuối cùng về tương lai của Sears sẽ được đưa ra khi tòa án xem xét doanh số kỳ nghỉ lễ.
Sears, được thành lập vào năm 1893, trước đó cũng nhận định doanh số mùa lễ của hãng sẽ không được như kỳ vọng. Vào tháng 10, hãng này dự báo doanh thu đạt 1,7 tỷ USD trong 7 tuần mua sắm dịp lễ, nhưng sau đó hạ bớt 225 triệu USD.