Có tiết kiệm nhưng tiết kiệm bao nhiêu là đủ là hai chuyện hoàn toàn khác nhau trong việc đảm bảo sức khỏe tài chính cá nhân.
Kiếm được nhiều tiền không nhất thiết là bạn trở nên giàu có. Xét cho cùng, giá trị ròng là một chỉ số tốt hơn thể hiện sự giàu có thực sự so với thu nhập.
Do đó, không cần biết thu nhập của bạn là bao nhiêu, bạn vẫn phải tiết kiệm và đầu tư tiền và quản lý các khoản nợ, nếu bạn muốn tích lũy của cải.
Để giúp bạn đánh giá, tạp chí Business Insider đã chỉ ra 9 dấu hiệu cho biết bạn đang đi sai hướng.
1. Bạn chỉ vừa đủ thanh toán hóa đơn mỗi tháng
Bạn chỉ đáp ứng vừa đủ với nhu cầu mỗi tháng? Việc sống dựa vào tiền lương khiến bạn không thể tích lũy được khoản tiết kiệm nào đáng kể.
Cách cải thiện: Bạn có 2 lựa chọn: Kiếm nhiều tiền hơn hoặc chi tiêu ít hơn. Nếu bạn đi theo lựa chọn đầu tiên, bạn hãy cân nhắc thay đổi lối sống, thương lượng để tăng lương và tìm cách kiếm thêm thu nhập ngoài công việc chính.
Nếu bạn muốn chi tiêu ít hơn, hãy cân nhắc các chiến lược tiết kiệm từ những người nghỉ hưu sớm hiện nay. Bạn cũng có thể nghĩ đến việc cắt giảm những khoản chi tiêu lớn nhất như tiền thuê nhà, chi phí di chuyển hay thực phẩm.
2. Bạn tự nhủ sẽ tiết kiệm nhiều hơn nếu kiếm thêm thu nhập
Đây là một trong những "lời nói dối tiền bạc" phổ biến nhất mà mọi người thường tự nhủ, Patrice C. Washington, tác giả cuốn "Real Money Answers for Every Woman", trước đây từng chia sẻ trên Business Insider.
"Bạn quản lý 100$ thế nào thì bạn sẽ quản lý 100.000$ như vậy", cô nói. "Bạn không dễ thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của bản thân. Điều này không phải là việc kiếm được nhiều tiền hơn. Nó liên quan tới việc bạn nên có kỷ luật hơn trong việc quản lý tiền", chuyên gia nói.
Ngoài ra, cô nói thêm, "Khi tôi kiếm được nhiều tiền hơn" không phải là hoạt động của một ngày. Một ngày nào đó không phải là một ngày trên lịch. Chúng ta phải thực sự làm tốt công việc hơn là khẳng định "tôi sẵn sàng tiết kiệm".
Cách cải thiện: Đừng chờ tới năm sau, sau khi tốt nghiệp, qua sinh nhật mới bắt đầu tiết kiệm. Hãy coi khoản tiết kiệm của bạn như một khoản chi phí cố định - thứ bạn phải trả hàng tháng, như tiền thuê nhà và hóa đơn điện thoại di động - trước khi bạn chi tiêu cho bữa tối và những "mong muốn" khác.
Sau đó, hãy xem xét việc thiết lập chuyển tự động định kỳ từ tài khoản kiểm tra sang tài khoản tiết kiệm - theo cách này, bạn thậm chí sẽ không bao giờ nhìn thấy tiền và sẽ học cách sống mà không cần đến nó.
3. Bạn chưa bắt đầu tiết kiệm cho việc nghỉ hưu
Không nên chần chừ việc tiết kiệm cho nghỉ hưu dù còn lâu mới đến. Bạn không phải là người duy nhất bỏ qua việc này. Theo khảo sát của GoBanking Rates, một phần ba người Mỹ không tiết kiệm được đồng nào cho nghỉ hưu. Hơn nữa, cuộc khảo sát này cho thấy, 80% người dân Mỹ tiết kiệm được dưới 1.000USD
Cách cải thiện: Tiết kiệm cho nghỉ hưu có nhiều hình thức khác nhau, cho dù bạn lựa chọn hình thức tiết kiệm nào thì tốt nhất bạn nên bắt đầu sớm. Nhiều chuyên gia khuyên bạn nên để dành ít nhất 10% thu nhập. Thực ra, bạn không nên lo lắng nếu chỉ tiết kiệm được 1% thu nhập. Có khởi đầu còn tốt hơn không làm gì cả.
Đây chính xác là cách bạn cần làm để chuẩn bị tiền cho việc nghỉ hưu.
4. Bạn không tiết kiệm tiền cho các khoản chi lớn sắp tới
Tiết kiệm tiền cho hưu trí là quan trọng nhưng bạn không thể bỏ qua các khoản chi phí lớn khác.
Nếu bạn có dự định có con hoặc mua nhà, mua xe, học thạc sỹ hoặc đi du lịch thường cần có một khoản tiết kiệm đáng kể.
Cách cải thiện: Bạn hãy lên danh sách những gì quan trọng với bạn và bạn muốn tương lai mình thế nào. Điều này giúp bạn tạo ra mục tiêu dễ dàng hơn. Sau đó, bạn sẽ tính xem bạn cần tiếp kiệm bao nhiêu, tiết kiệm trong bao lâu, các khoản tiết kiệm tăng trưởng thế nào để đạt được mục tiêu.
Đối với các mục tiêu ngắn hạn, hãy cân nhắc đến việc tạo một tài khoản tiết kiệm có lãi suất cao, hoặc nhiều tài khoản tiết kiệm trong cùng một ngân hàng, tiết kiệm cho các chi phí cụ thể.
5. Bạn chưa bắt đầu đầu tư
Đầu tư có thể được coi là cách hiệu quả nhất để bắt đầu xây dựng sự giàu có - và bạn càng bắt đầu sớm thì càng tốt, nhờ vào sức mạnh của lãi kép. Nếu bạn cảm thấy mình không có tiền để đầu tư, thì bạn không tiết kiệm đủ.
Cách cải thiện: Tiết kiệm hưu trí là một cách để đầu tư, nhưng nếu bạn muốn tham gia nhiều hơn, có những cách khác để khám phá: bắt đầu bằng cách nghiên cứu các quỹ chỉ số chi phí thấp, một cách tiếp cận thận trọng được đề xuất bởi Warren Buffett và khuyến nghị hàng đầu của các nhà hoạch định tài chính cho các nhà đầu tư trẻ.
6. Bạn không có quỹ dự phòng khẩn cấp
Lập quỹ khẩn cấp là một trong những bước quan trọng nhất bạn có thể thực hiện và chỉ nên tạm dừng nếu bạn có nợ thẻ tín dụng. Nếu không có quỹ dự trù cho tình huống xấu, rất có thể bạn không tiết kiệm đủ.
Cách cải thiện: Tạo quỹ khẩn cấp càng sớm càng tốt. Nhiều chuyên gia, bao gồm cả tỷ phú John Paul DeJoria, cũng đồng ý rằng có khoản tiết kiệm thời hạn 6 tháng là điều khôn ngoan. Riêng bạn có thể gửi thời gian nhiều hoặc ít hơn tùy thuộc vào từng hoàn cảnh.
7. Bạn chi nhiều hơn 30% thu nhập cho nhà ở
Nếu bạn thật sự muốn sớm trở nên giàu có, hãy thử giới hạn tiền thuê nhà ở mức 30% thu nhập sau thuế.
Cách cải thiện: Hãy cân nhắc đến tinh giản – sống sung túc trong không gian nhỏ hơn sẽ khả thi hơn nhiều. Nếu bạn mua nhà hay căn hộ mới, hãy đặt giới hạn giá cả và tuân theo nó. Bạn cũng nên tính đến tất cả chi phí phát sinh khi mua nhà và cộng các khoản đó vào ngân sách.
8. Bạn không theo dõi các chi phí
Hầu hết chúng ta đều biết có bao nhiêu tiền chuyển vào tài khoản ngân hàng của mình mỗi tháng – nhưng chi ra bao nhiêu? Có lẽ nhiều hơn bạn nghĩ - và rất có thể, nhiều khoản cần phải cắt giảm.
Cách cải thiện: Theo dõi dòng tiền bằng cách ghi lại mỗi khi chi tiêu vào excel hay sổ ghi chép. Tốt hơn nữa, hãy thử dùng một ứng dụng giúp phân loại và theo dõi chi tiêu hàng tháng, hàng năm.
Khi tìm ra nơi có thể cắt giảm, hãy chuyển các chi phí đó sang tài khoản hưu trí, điều này khiến nó có thể tích lũy thêm và tăng lên hàng ngàn USD theo thời gian.
9. Bạn không thể thanh toán số dư thẻ tín dụng nhiều hơn mức tối thiểu
Nếu hàng tháng bạn không thể trả nhiều hơn mức tối thiểu, bạn sẽ bị bội chi và lâm vào cảnh nợ thẻ tín dụng, dẫn đến nhiều khó khăn hơn cho bất kỳ mục tiêu tiết kiệm nào. Bạn nên luôn đặt mục tiêu thanh toán đầy đủ số dư nợ thẻ tín dụng nhằm bảo vệ điểm tín dụng và tránh xa nợ nần.
Cách cải thiện: Dùng tiền từ phần khác trong ngân sách hoặc cắt giảm chi tiêu để có tiền thanh toán nhiều hơn mức tối thiểu. Và quan trọng nhất, tránh tích lũy thêm số dư nợ thẻ tín dụng. Nếu bạn có nợ thẻ tín dụng, hãy tìm cách thanh toán ngay lập tức. Bạn càng trả trễ nợ lâu, do lãi suất, đôi khi có thể cao hơn mức bạn vay ban đầu.
(Theo ĐS & PL)