Cuộc họp khẩn giữa Bộ Kế hoạch và đầu tư với các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề, để tìm ra giải pháp kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp trước cơn bão nCoV được tổ chức sáng ngày 11/2.
Tham gia cuộc họp khẩn gồm có các đơn vị trong Bộ Kế hoạch và đầu tư và Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng với hơn 10 đại diện các hội, hiệp hội và CLB trong và ngoài nước như AmCham, EuroCham, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, Hiệp hội thương gia Đài Loan, Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam, Hiệp hội dệt may Việt Nam, Hội đồng tư vấn du lịch, Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam,…cùng các doanh nhân đại diện các ngành nghề đã đưa ra những khó khăn cụ thể của doanh nghiệp và tập trung đề xuất 9 giải pháp cấp bách.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã lắng nghe ý kiến của các hiệp hội, giới chuyên gia và doanh nhân, để có đề xuất với Thủ tướng vào ngày 12/2.
Chia sẻ sơ bộ về nội dung cuộc họp bàn khẩn cấp về khó khăn của doanh nghiệp do tác động bởi dịch nCoV, ông Đặng Hồng Anh - Phó chủ tịch Tập đoàn TTC cho biết: Ảnh hưởng lớn nhất là về nguyên liệu đầu vào, đặc biệt các ngành dệt may, vật tư nông nghiệp, trang thiết bị y tế, linh kiện điện tử, linh kiện sản xuất ô tô, xe máy….
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ ASEAN, Phó chủ tịch Tập đoàn TTC
Ảnh hưởng thứ hai là tâm lý người lao động, người lao động nghỉ làm hoặc năng suất rất thấp.
Tác động thứ ba là các hệ thống dịch vụ nhà hàng, khách sạn, hàng không,… thiệt hại nặng nề bởi lượng khách từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đến Việt Nam chiếm 60% khách du lịch mà hiện nay gần như bằng 0. Theo AmCham thì các doanh nghiệp quốc tế đến Việt Nam làm việc giảm, một số sự kiện cho đến tháng 6 đã bị hủy; nhiều chuyến công tác của các tập đoàn quốc tế tới châu Á đã bị hủy cho tới khi có thông báo mới. Tình hình khả quan duy nhất là lượng khách châu Âu vẫn ổn định, và còn có xu hướng tăng.
Tình hình chung là nếu diễn biến dịch Corona kéo dài sang tháng 3 và lưu lượng hàng hóa lưu thông qua đường bộ không tăng thì nhiều khả năng các doanh nghiệp phải đóng cửa.
Ông Đặng Hồng Anh
Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ ASEAN
Tác động thứ tư, hàng dệt may lượng xuất nhập khẩu rất lớn, nhập khẩu Trung Quốc chiếm một nửa thị trường Việt Nam. Riêng vải là 60% (chiếm khoảng 7 - 8 tỷ USD), sợi 55%.
"Doanh nghiệp dự trữ nguyên liệu chỉ còn đủ cho tháng 3, kéo dài hơn nữa doanh nghiệp không thể chịu được. Tuy nhiên, kể cả đóng cửa do dịch bệnh thì theo quy định của Chính phủ, vẫn phải thỏa thuận lương cho người lao động nhưng không được dưới mức tối thiểu vùng. Trường hợp cho hàng ngàn công nhân viên nghỉ việc thì lấy đâu ra tiền trả", ông Hồng Anh nhấn mạnh.
Tác động thứ năm, hàng chế biến thực phẩm thì tăng, sản xuất hết công suất nhưng hàng tươi sống xuất khẩu rất khó khăn. Bên cạnh đó còn bị gây khó dễ khi thông quan, phải có chi phí bồi dưỡng khiến doanh nghiệp đã khổ càng thêm khổ.
Qua trao đổi bàn bạc, ông Đặng Hồng Anh cho biết các hiệp hội và doanh nghiệp đã thống nhất đưa ra 9 đề xuất cụ thể.
Thứ nhất là ưu tiên kiểm soát dịch bệnh là vấn đề hàng đầu, cập nhật thông tin một cách trung thực, chính xác cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh; đề phòng dịch bệnh kép. Triển khai công tác phòng, chống dịch đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc.
Thứ hai, để tạo tâm lý an toàn cho người lao động, đề nghị Chính phủ hỗ trợ khẩu trang, nước sát khuẩn; cân nhắc việc cho học sinh đến trường để bố mẹ an tâm làm việc; các trường hợp có thể làm việc từ xa thì cho phép làm việc từ xa.
Thứ ba, đề xuất có các biện pháp khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất ngân hàng.
Thứ tư, đề xuất giảm thuế, cho phép chậm trả trong vòng 6 – 12 tháng.
Thứ năm, hệ thống doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào siêu thị, nhà hàng, bán lẻ, du lịch tổn thất 50 – 80%, còn có khả năng phá sản nên đề nghị các trung tâm thương mại và chính phủ nước chủ nhà giảm chi phí thuê trong thời gian ngắn; các đơn vị thuế, hải quan kéo dài thời gian đóng thuế.
Thứ sáu, đề nghị đàm phán với nước bạn để tăng lượng thông quan đảm bảo nguồn nguyên liệu tối thiểu.
Thứ bảy, đề nghị hỗ trợ kinh phí cho các sàn giao dịch online, các công nghệ bảo quản sau thu hoạch.
Thứ tám, đề nghị Chính phủ tiết kiệm, giảm đầu tư công.
Cuối cùng, đề nghị hỗ trợ tiền mặt cho các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn hàng ở các quốc gia khác ngoài Trung Quốc, vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không, đường biển...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng sẽ tập hợp và báo cáo Thủ tướng vào ngày 12/2.