Thông tin này được đưa ra trước cuộc họp khẩn cấp giữa các Bộ trưởng Năng lượng EU để thảo luận về tình hình tăng giá gần đây.
Trong bối cảnh giá khí đốt và điện của châu Âu đã tăng lên mức cao kỷ lục vào mùa Thu, các quốc gia bao gồm Tây Ban Nha và Pháp thúc giục EU phải thiết kế lại các quy tắc thị trường điện của mình.
Song 9 quốc gia đã "dội gáo nước lạnh" lên những đề xuất đó vào ngày 25/10. Trong một tuyên bố chung, các quốc gia này nói rằng do tình trạng giá tăng đột biến có tác động lên toàn cầu, EU nên hết sức thận trọng trước khi can thiệp vào việc điều chỉnh thị trường năng lượng nội khối. Các nước nhấn mạnh đây sẽ không phải là một biện pháp giúp giảm thiểu giá năng lượng đang tăng cao hiện nay liên quan đến thị trường nhiên liệu hóa thạch.
Áo, Đức, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Ireland, Luxembourg, Latvia và Hà Lan đã ký vào tuyên bố trên. Các nước cũng kêu gọi EU thực hiện nhiều biện pháp hơn để tiết kiệm năng lượng và đặt mục tiêu 15% thị trường điện nội khối được hòa mạng vào năm 2030.
Một đường dây tải điện cao thế tại Đức. (Nguồn: Reuters)
Trước đó, Tây Ban Nha đã dẫn đầu những lời kêu gọi cải tổ thị trường điện bán buôn để đối phó với giá điện tăng đột biến tại châu Âu. Nước này cho rằng hệ thống hiện thời không hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của khối.
Theo hệ thống hiện hành, giá bán buôn điện được thiết lập bởi nhà máy điện cần thiết cuối cùng trong chuỗi để đáp ứng nhu cầu điện năng tổng thể. Các nhà máy khí đốt thường có quyền định giá trong hệ thống này - điều mà Tây Ban Nha cho là không công bằng vì nó dẫn đến việc các nguồn năng lượng tái tạo rẻ được bán với giá tương đương với năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch vốn thường đắt hơn.
Ủy ban châu Âu cho biết họ sẽ điều tra xem liệu thị trường điện của EU có hoạt động tốt hay không. Tuy nhiên, hiện không có bằng chứng cho thấy một hệ thống khác sẽ giúp các quốc gia phòng vệ tốt hơn trước tình trạng chi phí năng lượng phi mã.
Bộ trưởng Năng lượng của các nước châu Âu sẽ nhóm họp vào ngày mai (27/10) để thảo luận về phản ứng của họ đối với tình trạng giá tăng đột biến. Hầu hết các quốc gia đang sử dụng các biện pháp cắt giảm thuế, trợ cấp cùng những chính sách khác để bảo vệ người tiêu dùng. Nhưng chính phủ các nước EU đang chật vật tìm cách thống nhất về một phản ứng dài hạn hơn cho toàn khối.