1. Chi tiêu quá tay cho những thứ phù phiếm
Một gia sản lớn cuối cùng cũng sẽ lụn bại nếu mỗi ngày bị hoang phí mất 1 USD. Có vẻ như chẳng có gì to tát khi mua một cốc cappuccino, dừng lại lấy một bao thuốc lá, ăn tối hoặc gọi một bộ phim trả tiền theo lượt xem, nhưng cộng lại các khoản nhỏ như vậy là một con số không thể xem thường.
Nếu tiêu 25 USD mỗi tuần cho việc ăn uống, bạn đã tiêu tốn 1.300 USD mỗi năm - một khoản tiền đủ lớn để có thể trả thêm tiền thế chấp hoặc trả góp cho xe hơi. Nếu bạn đang phải trải qua khó khăn về mặt tài chính, việc tránh sai lầm này thực sự quan trọng - sau cùng, nếu chỉ thiếu một vài USD nữa sẽ khiến bản thân bị tịch thu tài sản hoặc phá sản, thì mỗi USD sẽ trở nên có giá trị hơn bao giờ hết.
2. Thanh toán tự động
Hãy tự hỏi liệu bản thân có thật sự cần những thứ bạn phải trả phí từ năm này qua năm khác hay không. Những thứ như truyền hình cáp, dịch vụ âm nhạc hoặc thẻ phòng gym buộc bạn liên tục đóng phí duy trì nhưng chẳng mang lại quá nhiều lợi ích. Khi ngân sách eo hẹp hoặc bạn đột nhiên muốn tiết kiệm nhiều hơn, thiết kế một lối sống gọn gàng hơn có thể giúp cải thiện mức tiết kiệm và giúp bạn thoát khỏi khó khăn tài chính.
3. Sống bằng tiền đi vay mượn
Việc sử dụng thẻ tín dụng để mua những thứ cần thiết đã trở nên bình thường trong xã hội hôm nay. Nhưng ngay cả khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng sẵn sàng trả lãi suất hai con số cho xăng dầu, hàng tạp hóa và một loạt các mặt hàng khác trước khi thanh toán đầy đủ, đừng là một trong số họ. Lãi suất thẻ tín dụng làm cho giá của các mặt hàng được tính phí đắt hơn rất nhiều. Phụ thuộc vào tín dụng cũng sẽ dẫn bạn tới con đường tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được.
4. Mua một chiếc ô tô mới
Hàng triệu chiếc ô tô mới được bán mỗi năm, mặc dù rất ít người mua có thể trả bằng tiền mặt. Tuy nhiên, không có khả năng trả tiền mặt cho một chiếc xe mới đồng nghĩa với việc không có khả năng mua chiếc xe đó. Về bản chất, có khả năng thanh toán không đồng nghĩa với có khả năng chi trả cho chiếc xe. Hơn nữa, qua việc vay tiền để mua một chiếc ô tô, người tiêu dùng trả tiền lãi cho một tài sản đang khấu hao, và điều này càng làm nới rộng chênh lệch giữa giá trị thực của chiếc ô tô và giá phải trả cho nó. Tệ hơn nữa, nhiều người cứ môi 2 - 3 năm lại thay đổi xe, và mất rất nhiều tiền sau mỗi lần đó.
Đôi khi một người không có lựa chọn nào khác ngoài đi vay để mua một chiếc ô tô, nhưng liệu có bao nhiêu người thực sự cần một chiếc SUV cỡ lớn? Những chiếc xe như vậy bao gồm rất nhiều chi phí để sở hữu, như tiền bảo hiểm và nhiên liệu. Trừ khi bạn cần một chiếc thuyền, xe kéo hoặc cần một chiếc SUV để kiếm sống, động cơ tám xi-lanh không đáng để bạn phải trả thêm một núi chi phí bên cạnh một khoản vay lớn như vậy.
Nếu bạn cần mua một chiếc xe hơi và/hoặc vay tiền để làm việc đó, hãy cân nhắc mua một chiếc xe sử dụng ít xăng hơn và ít tốn kém hơn để bảo hiểm và bảo dưỡng. Xe hơi đắt tiền, và nếu bạn mua nhiều xe hơn mức cần thiết, bạn đang đốt số tiền mà lẽ ra nên được dùng để tiết kiệm hoặc trả nợ.
5. Tốn quá nhiều tiền để mua nhà
Khi bàn đến việc mua một ngôi nhà, càng rộng không đồng nghĩa với càng tốt. Trừ khi bạn có một gia đình lớn, việc chọn một ngôi nhà rộng 6.000 m2 sẽ chỉ đồng nghĩa với nhiều khoản thuế, bảo trì và tiện ích đắt đỏ hơn. Bạn có thực sự muốn tạo ra một khoản chi phí lớn khủng khiếp và dài hạn như vậy vào ngân sách hàng tháng của mình không?
6. Lương tháng nào chỉ đủ tiêu trong tháng nấy
Vào tháng 3 năm 2018, theo dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân hộ gia đình của Mỹ chỉ là 3,1%. Nhiều hộ gia đình đang sống dựa vào lương hàng tháng, và một vấn đề bất ngờ xảy ra cũng có thể trở thành thảm họa nếu không có sự chuẩn bị từ trước. Kết quả tích lũy của sự bội chi đưa mọi người vào tình thế bấp bênh - một số trường hợp cần gấp tiền nhưng công ty lại trả lương chậm trễ. Đây chắc chắn không phải tình thế bạn muốn gặp phải khi suy thoái kinh tế ập đến. Nếu điều này xảy ra, bạn sẽ có rất ít lựa chọn.
Nhiều nhà lập kế hoạch tài chính sẽ yêu cầu bạn tiết kiệm một khoản tiền tương đương với 3 tháng lương trong tài khoản để có thể sử dụng khi cần. Mất việc làm hoặc những thay đổi trong nền kinh tế có thể làm tiêu hao tiền tiết kiệm và đẩy bạn vào vòng xoáy vay nợ - trả nợ. Khoảng đệm ba tháng có thể là sự khác biệt giữa việc có thể giữ hay mất ngôi nhà của bạn.
7. Không đầu tư
Nếu không sở hữu những kênh đầu tư thụ động, bạn sẽ không bao giờ có thể ngừng làm việc. Đóng góp hàng tháng vào các quỹ hưu trí được chỉ định là điều cần thiết để có quãng thời gian nghỉ hưu thoải mái. Tận dụng các tài khoản hưu trí được hoãn thuế và kế hoạch do ban lãnh đạo tài trợ. Tìm hiểu quỹ khoảng thời gian cho các khoản đầu tư và những rủi ro có thể nhận phải. Nếu có thể, hãy tham khảo ý kiến của cố vấn tài chính đủ năng lực để có sự điều chỉnh cần thiết.
8. Trả nợ bằng tiền tiết kiệm
Bạn có thể nghĩ rằng nếu khoản nợ của bạn tốn 19% và tài khoản hưu trí của bạn đang kiếm được 7%, thì việc hoán đổi khoản tiền hưu trí cho khoản nợ có nghĩa là bạn sẽ bỏ túi khoản chênh lệch. Nhưng nó không đơn giản như vậy. Ngoài việc mất đi sức mạnh của lãi kép, rất khó để bù lại khoản tiền vào các quỹ hưu trí đó và bạn có thể bị trả các khoản phí khổng lồ.
Với suy nghĩ đúng đắn, vay từ tài khoản hưu trí của bạn có thể là một lựa chọn khả thi, nhưng ngay cả những nhà hoạch định kỷ luật nhất cũng gặp khó khăn để xây dựng lại các tài khoản này. Khi khoản nợ được trả hết, sự cấp bách hoàn trả lại quỹ hưu trí thường không còn nữa. Sẽ rất hấp dẫn nếu bạn tiếp tục chi tiêu với tốc độ tương tự, đồng nghĩa với việc bạn có thể quay trở lại con đường nợ nần. Nếu bạn định trả nợ bằng tiền tiết kiệm, bạn phải sống như thể bạn vẫn còn một khoản nợ phải trả - vào quỹ hưu trí của bạn.
9. Không có kế hoạch
Tương lai tài chính của bạn phụ thuộc vào những gì đang diễn ra ngay bây giờ. Mọi người dành vô số giờ để xem TV hoặc lướt mạng xã hội, nhưng dành ra hai giờ mỗi tuần để lên kế hoạch tài chính lại là một điều rất khó khăn. Bạn cần biết sắp tới nên làm gì. Hãy ưu tiên dành một chút thời gian để lập kế hoạch tài chính cá nhân.
Tóm lại, để tránh nguy cơ bội chi, hãy bắt đầu bằng cách kiểm soát các khoản chi nhỏ, sau đó chuyển sang theo dõi các khoản chi lớn. Hãy suy nghĩ cẩn thận trước khi thêm các khoản nợ mới vào danh sách thanh toán và lưu ý rằng việc có thể thanh toán không đồng nghĩa với khả năng chi trả cho món hàng đó. Cuối cùng, hãy ưu tiên tiết kiệm một khoản tiền từ thu nhập hàng tháng, cùng với việc dành thời gian phát triển một kế hoạch tài chính hợp lý.
Tham khảo Investopedia