Kết thúc 9 tháng đầu năm, VN-Index đứng ở mức 1.017,13 điểm, tăng 3,34% so với thời điểm cuối năm 2017, trong khi HNX-Index giảm 0,5% xuống 115,52 điểm.
Do ảnh hưởng từ dòng vốn toàn cầu dưới tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ Trung, khối ngoại đã bán ròng rất mạnh trong giai đoạn quý 2 (tháng 4,5,6) tuy nhiên từ tháng 8 trở lại đây, khối này bắt đầu quay trở lại mua ròng trên TTCK Việt Nam.
Trên hai sàn niêm yết, khối ngoại mua vào 4,2 tỷ cổ phiếu, trị giá 217,6 nghìn tỷ đồng, trong khi bán ra hơn 3,87 tỷ cổ phiếu, trị giá 186,7 nghìn tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 301 triệu cổ phiếu, trị giá 30.880 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại mua ròng rất mạnh ở sàn HOSE, nhưng bán ròng ở sàn HNX.
Tại sàn HOSE, khối ngoại mua ròng 31.680 tỷ đồng (gấp 2,26 lần so với cùng kỳ năm 2017), tương ứng khối lượng mua ròng 343 triệu cổ phiếu.
Số liệu mua ròng của khối ngoại 9 tháng đầu năm chủ yến đến từ tân binh VHM của CTCP Vinhomes. Cổ phiếu VHM chính thức niêm yết 2,68 tỷ cổ phiếu vào ngày 17/5 với giá tham chiếu 92.100 đồng/CP. Đáng chú ý, ngay trong phiên giao dịch sau đó (18/5), VHM đã thiết lập một phiên giao dịch lịch sử về thanh khoản với gần 268 triệu cổ phiếu, đạt giá trị 1,35 tỷ USD, trong đó, khối ngoại mua vào 249 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị là 28.550 tỷ đồng.
Như vậy, nếu loại trừ đi giao dịch đột biến này của VHM trong phiên 17/5 thì giá trị mua ròng của khối ngoại sàn HOSE điều chỉnh xuống còn 3.136,56 tỷ đồng.
Tiếp theo, một cổ phiếu 'cùng họ' với VHM là VRE cũng được khối ngoại mua ròng mạnh với 3.890,78 tỷ đồng. Trong khi đó, hai 'tân binh' khác của thị trường chứng khoán trong năm 2018 là YEG và HDB của HDBank đều được khối ngoại mua ròng mạnh, đạt lần lượt 2.502 tỷ đồng và 2.435 tỷ đồng. Kể từ khi lên sàn, HDBank được khối ngoại mua ròng gần 55 triệu cổ phiếu, số lượng nắm giữ của nhà đầu tư ngoại tại ngân hàng này đã lên đến 27,52%.
CCQ ETF nội E1VFVN30 cũng nhận được sự quan tâm lớn của khối ngoại và có giá trị mua ròng hơn 1.659 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, công ty mẹ của VHM và VRE là Vingroup (mã VIC) lại bị bán ròng rất mạnh trong 9 tháng đầu năm 2018 với giá trị đạt 7.574,7 tỷ đồng. Trước đó, trong cả năm 2017, VIC đã bị bán ròng khoảng 1.150 tỷ đồng.
Ba cổ phiếu khác bị khối ngoại bán ròng trên 1.000 tỷ đồng còn có VNM, HPG và VJC. Trong đó, VNM đứng thứ hai trong danh sách bán ròng sàn HOSE với giá trị đạt 1.940 tỷ đồng.
Trái ngược hoàn toàn với những gì diễn ra ở sàn HOSE, khối ngoại trên sàn HNX đã bán ròng 804 tỷ đồng trong 9 tháng qua (tăng 66% so với cùng kỳ năm 2017), tương ứng khối lượng bán ròng là 42 triệu cổ phiếu.
Các cổ phiếu được khối ngoại sàn HNX mua ròng mạnh đều có tính dẫn dắt đối với chỉ số HNX-Index. Trong đó, dẫn đầu danh sách mua ròng sàn này là SHB với giá trị đạt 373,5 tỷ đồng. Cổ phiếu VPI vẫn được khối ngoại mua ròng mạnh với 267 tỷ đồng. Hai mã PVS và VCG được mua ròng lần lượt 251,7 tỷ đồng và 149 tỷ đồng.
Trong khi đó, khối ngoại bán ròng rất mạnh cổ phiếu VGC, đạt tổng cộng 1.037,8 tỷ đồng. Trong cả năm 2017, VGC được khối ngoại mua ròng 246,8 tỷ đồng. Trong khi đó, TAG bị bán ròng 272 tỷ đồng. TAG mới hủy niêm yết tại sàn HNX vào ngày 17/9/2018 để tìm kiếm đối tác chiến lược, tái cơ cấu lại công ty. TAG đã chính thức bị MWG thâu tóm khi đơn vị này nắm giữ 99,33% vốn của TAG.
Còn trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 1.684 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng đạt 26,7 triệu cổ phiếu.