Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê , xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm đạt 299,63 tỷ USD, tăng mạnh 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu , nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt 3,29 tỷ USD, chiếm 1,1%; nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 263,47 tỷ USD, chiếm 87,9%; nhóm hàng nông sản , lâm sản đạt 25,64 tỷ USD, chiếm 8,6%; nhóm hàng thủy sản đạt 7,23 tỷ USD, chiếm 2,4%.
Đối với các mặt hàng xuất khẩu , Việt Nam đã sở hữu 32 mặt hàng xuất khẩu cán mốc trên 1 tỷ USD.
Trong số 32 mặt hàng này, có đến 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD lần lượt là điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; dệt may và da giày; gỗ và các sản phẩm từ gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng.
Đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, Việt Nam cũng đã sở hữu đến 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tỷ USD lần lượt là gỗ và các sản phẩm từ gỗ, hàng thủy sản , hàng rau quả, gạo, cà phê, hạt điều, cao su.
Không chỉ mang lại kim ngạch xuất khẩu cao, các mặt hàng này còn nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường thế giới khi nước ta lọt top các quốc gia xuất khẩu hàng đầu của thế giới ở một số lĩnh vực như cà phê, hạt điều, điện thoại, giày dép , hàng dệt may...
Trong những tháng cuối của năm 2024, trước bối cảnh toàn cầu đầy biến động và sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác, Việt Nam cần thực hiện những giải pháp quyết liệt và ngay lập tức để duy trì đà tăng trưởng. Theo đánh giá từ các chuyên gia, các doanh nghiệp cần nhanh chóng khai thác triệt để các lợi ích mà FTA mang lại, tối ưu hóa các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, và quy định môi trường.
Việc mở rộng thị trường xuất khẩu là rất cần thiết để đa dạng hóa rủi ro và tránh phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống như Mỹ, EU, hay Trung Quốc. Để làm được điều này, Việt Nam cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại , tìm kiếm và phát triển các thị trường mới tiềm năng như Châu Phi, Nam Mỹ, và Trung Đông.
Một trong những rào cản lớn đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam là các thủ tục hành chính phức tạp và chi phí logistics cao. Hiện tại, chi phí logistics tại Việt Nam đang cao hơn so với một số nước trong khu vực, khiến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam bị sụt giảm.
Để khắc phục nút thắt này, các chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam cần đơn giản hóa các thủ tục xuất khẩu , giảm bớt các quy trình kiểm tra, thông quan rườm rà và đồng thời áp dụng các giải pháp công nghệ số để cải thiện hiệu quả quản lý và vận hành chuỗi cung ứng .
Việc đầu tư vào hạ tầng giao thông, cảng biển, và hệ thống kho bãi cũng là cần thiết nhằm giảm thời gian và chi phí vận chuyển , từ đó giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.