Vài năm trở lại đây, khởi nghiệp đã tạo thành làn sóng mạnh mẽ trong cộng đồng người dân. 2016 được xem là năm “Quốc gia khởi nghiệp”. 2 năm trở lại đây, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ và thúc đẩy khởi nghiệp, thế nhưng tỷ lệ thất bại ở các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn chiếm tới 90%.
Theo báo cáo chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2015/2016, dựa trên phương pháp tiếp cận GEM của Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số đổi mới của các hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam thuộc loại thấp, xếp thứ 50/60 các nền kinh tế.
Trong giai đoạn khởi nghiệp ở Việt Nam, các định hướng “mới” có chỉ số cực thấp khi chỉ 4,8% sản phẩm được xem là mới, 4,4% công nghệ mới, 2,2% thị trường mới. Thậm chí khi đã bước vào giai đoạn kinh doanh ổn định, 3 yếu tố chính là sản phẩm, thị trường và công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam còn tụt thấp hơn nữa.
Ảnh minh họa: KT. |
Vậy đây có phải là mấu chốt dẫn đến tình trạng 90% doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam thường bị thất bại trong 1-2 năm đầu tiên?
TS. Đinh Việt Hòa, Hiệp hội khởi nghiệp quốc gia phân tích, phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam có tinh thần khởi nghiệp rất cao nhưng kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp thì còn rất yếu và thiếu. Có những doanh nghiệp năng lực tài chính tốt nhưng vẫn có thể đóng cửa vì năng lực quản trị tài chính lại không tốt. Cùng với đó, doanh nghiệp khởi nghiệp còn thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu tư duy về thị trường.
Một nguyên nhân khách quan mà ông Hòa đưa ra là môi trường kinh doanh của Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế. Trong bối cảnh hội nhập, hàng hóa từ nước ngoài tràn vào Việt Nam với số lượng lớn, chất lượng tại tốt hơn, trong khi khả năng cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp Việt lại yếu. Điều này dẫn đến hàng hóa không tiêu thụ được, thị phần hàng hóa của Việt Nam bị sản phẩm nước ngoài lấn át, cạnh tranh gay gắt…
Bên cạnh đó là sự thiếu hụt về vốn và tiếp cận các nguồn vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp. Bởi đây là yếu tố sống còn của các doanh nghiệp. Thiếu vốn doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều rủi ro và có thể đóng cửa bất cứ lúc nào. Ông Hòa cho rằng: “Để góp phần vào sự thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp, nên chăng, Nhà nước có những chính sách đặc biệt chấp nhận rủi ro cho các ngân hàng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp vay để khi họ gặp khó khăn thì cần “bơm” vốn cho họ, truyền cho họ một chút máu thì doanh nghiệp ấy có thể sống lại và đi tiếp”.
Theo bà Phan Hoàng Lan, Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay, nhiều chính sách liên quan đến khởi nghiệp của Việt Nam còn đang rất mới, để hoàn thiện khung pháp lý cũng như chính sách hỗ trợ thì phải cần khoảng 3 năm nữa mới xong.
Ví dụ như việc tài trợ dành cho khởi nghiệp, hiện tại gần như chỉ tài trợ cho những khoản liên quan đến nghiên cứu phát triển. Còn những khoản liên quan đến tìm hiểu thị trường như thế nào, đi ra nước ngoài ra sao thì hiện tại chưa có khoản chính sách hỗ trợ như vậy. Bởi đây là công cụ đầu tư, trong khi mô hình đầu tư kiểu sàn giao dịch gọi vốn cộng đồng hay sàn dành cho khởi nghiệp chưa có. Những chính sách dành cho nhà đầu tư thiên thần thì cũng còn thiếu.
Bà Phan Hoàng Lan cho biết: “Việc toàn cầu hóa trong đầu tư khởi nghiệp là xu hướng không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới đều có cả. Không phải nước nào cũng có đủ nguồn năng lực để đầu tư nhiều dành cho khởi nghiệp. Trên thế giới có hàng loạt doanh nghiệp khởi nghiệp tỷ USD, nguồn tiền đó ở những nước như Việt Nam rất khó có được”.
Theo bà Lan, một trong những lý do khiến nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp phải đóng cửa sớm là do nhiều nhà đầu tư Việt Nam còn e ngại, không dám mạnh tay đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp vì mức độ rủi ro cao. Họ quan niệm rằng, trong 10 doanh nghiệp khởi nghiệp thì có tới 9 doanh nghiệp sẽ “chết”. Do đó, đối tượng doanh nghiệp này đã “non” lại còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn vốn. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp bị “chết yểu” là không tránh khỏi.
Hiện nay, các nhà đầu tư cá nhân/thiên thần chủ yếu hoạt động tự phát, chưa có nhiều liên kết với nhau và chưa chuyên nghiệp hóa trong hoạt động đầu tư khởi nghiệp. Chính vì còn thiếu nhiều yếu tố và dù khởi nghiệp được quan tâm nhiều nhưng sức hút của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt so với khu vực và thế giới vẫn còn khá khiêm tốn.
Mặc dù thực tế từng có các thương vụ trị giá vài chục triệu USD, nhưng tính chất của thương vụ lại thiên về việc thâu tóm doanh nghiệp khởi nghiệp, khác biệt với đầu tư để tăng trưởng. Do đó, không thể phủ nhận một thực tế, dù các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định, nhưng sức hút của khởi nghiệp Việt vẫn còn hạn chế hơn so với các nước trong khu vực.
Theo nhận định của TS. Võ Trí Thành: “Các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam có khá nhiều ý tưởng hay và độc đáo, nhưng điểm yếu là thiếu hoạch định và chiến lược kinh doanh khả thi. Chính điều này đã làm chết yểu tỷ lệ không nhỏ doanh nghiệp khởi nghiệp ngay trong 1-2 năm đầu tiên. Vì thế, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp khởi nghiệp, vai trò hỗ trợ của Nhà nước hết sức quan trọng”./.