90% doanh nghiệp lữ hành nhỏ và vừa tại TP. HCM đã ngưng hoạt động
Thống kê mới nhất từ Sở Du lịch TP. HCM cho thấy, lượng khách quốc tế đến thành phố riêng trong tháng 3/2020 ước đạt 117.000 lượt khách, giảm 84,23% so cùng kì năm 2019. Tính chung 3 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến thành phố ước đạt hơn 1,3 triệu lượt, đạt 14,49% kế hoạch năm 2020 và giảm 42,26% so với cùng kì.
Về doanh thu, trong 2 tháng đầu năm 2020, trung bình lượng khách và doanh thu của các công ty lữ hành giảm từ 50 – 60% so với cùng kỳ năm trước. Đến tháng 3/2020, lượng khách và doanh thu của các công ty lữ hành liên tục giảm. Thậm chí với một số công ty, lượng khách và doanh thu giảm 95% đến 100% so với cùng kì năm trước (theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp lữ hành còn tổ chức khách du lịch).
Cụ thể, có đến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ đã tạm ngưng hoạt động, một số doanh nghiệp lớn vốn tư nhân chỉ bố trí nhân sự trực tại công ty, doanh nghiệp có vốn nhà nước cũng hoạt động cầm chừng. Hầu hết nhân viên của các công ty lữ hành được cho nghỉ không hưởng lương đến khi hết dịch.
Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú tại TP. HCM cũng chẳng khá hơn các trung tâm lữ hành. Theo một khảo sát từ 25 cơ sở lưu trú, thì tình hình kinh doanh của hệ thống khách sạn – nhà hàng – cơ sở mua sắm đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Ví dụ: doanh thu từ các cơ sở lưu trú du lịch giảm 58,29%, kinh doanh hội nghị giảm 60,8%, kinh doanh nhà hàng, tiệc và kinh doanh khác giảm 60,1%, số lao động nghỉ việc và tạm thời ngừng việc chiếm tỉ lệ cao.
Còn theo CBRE, bán lẻ là một trong những mảng bị ảnh hưởng nặng nhất từ đại dịch Covid-19 tại địa bàn TP. HCM.
Trong quý I/2020, doanh thu bán lẻ của ngành hàng dịch vụ lưu trú ăn uống và lữ hành lần lượt giảm 9,6 và 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại các Trung tâm thương mại, theo quan sát của CBRE Việt Nam, lưu lượng khách đến mua sắm bắt đầu giảm từ tháng 2 và đến cuối tháng 3 đã giảm xấp xỉ 80% tại các dự án.
Theo ý kiến của các chuyên gia tại CBRE, doanh thu các ngành hàng giảm khác nhau trong thời kỳ ảnh hưởng của Covid-19: các ngành hàng buộc phải đóng cửa như giáo dục gần như không có doanh thu, trong khi đó các ngành hàng như ăn uống, thời trang và phụ kiện hoặc giải trí thì doanh thu có thể giảm từ 50-80%.
Khung cảnh vắng lặng ở các khu trung tâm thương mại trong đại dịch Covid-19. Ảnh từ Vincom Quang Trung
Một vài thương hiệu ăn uống buộc phải cắt giảm hoạt động của nhiều chi nhánh như Golden Gate Group (ước tính trên 50% cửa hàng, tập trung chủ yếu tại Hà Nội), các thương hiệu trà sữa, cà phê… Một vài khách thuê khác tạm thời đóng cửa tại Trung tâm thương mại, tuy nhiên do nhận được hỗ trợ của chủ đầu tư nên chưa chấm dứt hợp đồng thuê. Từ sau khi có chỉ thị ngừng kinh doanh các hoạt động không cần thiết, các chủ đầu tư đã ra thông báo tạm dừng mở cửa các dự án đến hết 15/04.
"Ngành dịch vụ bán lẻ, du lịch và khách sạn được dự đoán chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 nhất, trong khi lĩnh vực sản xuất cũng bị sụt giảm do sự gián đoạn chuỗi cung ứng và lượng đơn hàng thấp hơn do tiêu dùng toàn cầu suy giảm nhanh chóng.
Tổ chức Du lịch Thế giới đã điều chỉnh triển vọng lượng khách du lịch quốc tế năm 2020 giảm từ 1% đến 3%. Đây là lần đầu tiên số lượng du khách quốc tế được dự đoán giảm sau mười năm tăng trưởng liên tiếp. Việt Nam cũng chứng kiến sự sụt giảm đáng kể lượng khách quốc tế, trong đó Trung Quốc và Hàn Quốc là hai thị trường quan trọng nhất, chiếm 56% lượng khách quốc tế đến Việt Nam vào năm 2019.
Đối với lĩnh vực bán lẻ, việc gia tăng các biện pháp cách ly xã hội có tác động làm giảm mức tiêu dùng. Hầu hết các đơn vị thuê mặt bằng kinh doanh cho biết doanh thu của họ sụt giảm mạnh và mong muốn được giảm tiền thuê để chia sẻ gánh nặng. Còn về phía các đơn vị cho thuê mặt bằng, họ đang theo dõi diễn biến và ảnh hưởng của dịch Covid-19 và xem xét các biện pháp hỗ trợ giảm tiền thuê tới 50% trong thời gian cao điểm dịch bùng phát", Savills Việt Nam cho biết.
Ngành dịch vụ du lịch và khách sạn có thể là ngành đầu tiên phục hồi mạnh mẽ và nhanh chóng
Cũng theo Savills Việt Nam, mặc dù tác động của đại dịch Covid-19 được dự báo có thể kéo dài đến cuối năm 2020, ngành dịch vụ du lịch và khách sạn có thể là ngành đầu tiên phục hồi mạnh mẽ và nhanh chóng.
Với lợi thế số lượng du khách đa số là khách trong nước (82,5% tổng lượng du khách năm 2019) và các thị trường nước ngoài lớn như Trung Quốc và Hàn Quốc, các nhóm khách này được dự đoán sẽ nhanh chóng du lịch trở lại sau khi đại dịch được kiểm soát.
Du lịch TP. HCM đang tích cực chuẩn bị chuyển mình sau dịch. Ảnh: Hữu Long
Còn theo Sở Du lịch TP.HCM, ở thời điểm hiện tại, Nhà nước cần nghiên cứu các kịch bản kịp thời để chuẩn bị khôi phục du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt và có những giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch, hỗ trợ cho công tác quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực du lịch…
Đồng thời chuẩn bị cho chiến lược quảng bá và xúc tiến du lịch thành phố với kế hoạch truyền thông và xúc tiến sâu - rộng, với các phương thức mới đến các thị trường trọng điểm quốc tế và trong nước, đặc biệt ứng dụng các hình thức truyền thông trực tuyến, ứng dụng công nghệ trong tuyên truyền quảng bá du lịch. Đặc biệt, cần đầu tư nghiên các thị trường ít chịu ảnh hưởng của Covid-19 và tiềm năng, cho thị trường du lịch thành phố, để đặt trọng tâm các hoạt động quảng bá và xúc tiến.
"Ngay khi dịch bệnh kết thúc, Nhà nước cần thực hiện công tác hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố nhằm tháo gỡ khó khăn, chuẩn bị chính sách thúc đẩy du lịch phát triển như đề nghị giãn thuế, giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế…Chúng tôi cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch", Sở Y tế TP. HCM nêu vấn đề.
Ngoài ra, TP. HCM nên triển khai hiệu quả chương trình liên kết sản phẩm vùng với 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành Đông Nam Bộ; như xây dựng các sản phẩm, chương trình du lịch liên kết thực sự hấp dẫn, độc đáo, khác biệt của mỗi địa phương và của cả vùng. Thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch, tạo cơ hội hợp tác, liên kết phát triển của các doanh nghiệp địa phương.
Về mặt vĩ mô, TP. HCM cần hoàn thành - công bố Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 và chuẩn bị lộ trình các bước triển khai, trong đó có những kế hoạch trọng tâm trong năm 2021, nhằm phục hồi ngành du lịch của thành phố sau dịch.