Trong năm 2017, thị trường thép Trung Quốc - quốc gia sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất thế giới - có nhiều biến động, đặc biệt là sắc lệnh cắt giảm sản lượng của Chính phủ nhằm bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng thừa thép. Động thái này không chỉ khiến giá thép tăng mạnh trong năm 2017 ở Trung Quốc mà còn ảnh hưởng lớn đến thị trường thép Việt Nam.
Bên cạnh đó, thông tin Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố áp dụng mức thuế trừng phạt 265% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam với lý do có nguồn gốc từ Trung Quốc gây hoang mang cho nhiều nhà sản xuất thép Việt Nam.
Để làm rõ hơn về những vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sưa- Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam đã có cuộc trao đổi riêng với Người Đồng Hành.
ÔngNguyễn Văn Sưa- Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam
Thưa ông, thời gian gần đây Trung Quốc liên tục cắt giảm sản lượng thép trong nước nhằm rút lượng thép thừa trên thị trường đồng thời bảo vệ môi trường. Theo ông, điều này tác động thế nào nào đến ngành thép Việt Nam?
Do năng lực sản xuất của Trung Quốc quá lớn, vượt quá nhu cầu nội địa, việc cắt giảm nhằm đảm bảo hiệu quả ngành thép của Trung Quốc. Động thái này tác động đến ngành thép Việt Nam. Đặc biệt trong năm 2017, giá thép Trung Quốc tăng lên nhiều, nên việc cạnh tranh giữa thép Việt và Trung Quốc không quyết liệt như những năm trước.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc đóng cửa nhiều lò cảm ứng sẽ gây ra tình trạng thừa thép phế ở thị trường này do nguyên liệu thô chính của lò nung cảm ứng là sắt thép phế. Điều này sẽ có tác động tích cực đối với các nước nhập khẩu thép phế do giá mặt hàng này sẽ giảm xuống. Hiện tại, Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng thêm một số lò điện hồng quang để giải quyết lượng thép phế thừa trong nước nhưng đó chỉ là kế hoạch tương lai.
Theo quy hoạch điều chỉnh nâng cấp ngành thép Trung Quốc giai đoạn 2016-2020, Trung Quốc sẽ giảm công suất từ 1,13 tỷ tấn năm 2015 xuống còn 1 tỷ tấn, tập trung hóa sản xuất để 10 cơ sở lớn nhất chiếm 34% năm 2015 lên 60% vào năm 2020. Thép thô sản xuất năm 2016 là 808 triệu tấn sẽ giảm xuống 750-800 tấn vào năm 2020.
Về phía Việt Nam vẫn chưa có kế hoạch đóng cửa các lò cảm ứng vì năng lực sản xuất của các lò điện hồng quang vẫn chưa đủ, do vậy các lò cảm ứng đóng vai trò quan trọng đối với tình hình sản xuất. Tuy nhiên, điểm yếu của các lò cảm ứng là vẫn chưa sản xuất được các sản phẩm thép chất lượng cao nên các nhà sản xuất cẩn trọng cân nhắc trong quá trình đầu tư xây dựng các lò này sao cho phù hợp với xu thế sử dụng thép của thị trường.
Các dự án thép đưa vào hoạt động năm 2018
Bắt đầu từ năm 2018, theo FTA ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), 588 dòng thuế sẽ được cắt giảm từ mức 5% năm 2017 về 0% vào năm nay, trong đó các mặt hàng chính là sắt thép và sản phẩm sắt thép. Trước diễn biến này, ngành thép Việt Nam nên phản ứng thế nào, thưa ông?
Theo ACFTA, thuế xuất khẩu sắt thép và sản phẩm sắt thép Trung Quốc sang thị trường ASEAN giảm xuống còn 0%. Điều này dẫn đến lượng thép từ Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam có thể tăng lên. Vì vậy, chúng ta cần có những biện pháp kịp thời để ứng xử với động thái này.
Đầu tiên, chúng ta cần nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm thép trong nước so với thép nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, chúng ta cần sử dụng thành thạo những biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thép trong nước. Những biện pháp này được nhiều nước trên thế giới đang áp dụng thành thạo, đặc biệt là Mỹ và các nước châu Âu.
Thời gian gần đây xuất hiện thông tin thép Trung Quốc đội lốt thép Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, ông có bình luận thế nào trước thông tin này?
Một số thông tin trên báo chí vẫn chưa chính xác. Con số 90% số lượng thép Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đội lốt thép Việt Nam là sai lệch, thực tế không đến mức đó và chỉ chiếm một lượng nhỏ.
Theo quan điểm của chúng tôi, Việt Nam có thể giải quyết vấn đề này một cách dễ dàng. Từ năm nay trở đi, năng lực sản xuất thép cuộn cán nóng của Việt Nam đủ để tạo nên CO (giấy chứng nhận xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa). Vấn đề khó khăn nhất vẫn là mục 232 Đạo luật mở rộng thương mại năm 1962 (19 U.S.C 1862) nhằm xác định sản phẩm thép có đang nhập khẩu vào Mỹ với số lượng hoặc trong hoàn cảnh mà làm suy yếu an ninh quốc gia không. Đây có lẽ là thách thức lớn nhất mà ngành thép Việt Nam phải đối mặt khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Dự báo ngành thép 2018
Theo Hiệp hội thép, năm 2018 ngành thép Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng, nhiều dự án hạ tầng, xây dựng, bất động sản sẽ được triển khai trong năm 2018.
Dự báo toàn ngành sẽ tăng trưởng sản xuất khoảng 20-22%, trong đó thép xây dựng tăng 10%, thép cuộn cán nóng tăng 154%, thép lá cuộn cán nguội tăng 5%, thép ống hàn tăng 15%, tôn mạ và sơn phủ màu tăng 12%.