"Mỏ vàng" ngành tiếp thị số doanh nghiệp
Theo báo cáo "Thị trường quảng cáo số Việt Nam 2021: Chiến lược đón đầu và đột phá" do Adsota và SOL Premier công bố, lượng người truy cập Internet tại Việt Nam lên tới 70% dân số với 155 triệu thuê bao di động, đứng thứ 5 toàn cầu về tỷ lệ thuê bao trên dân số cả nước.
Nhờ chi phí Internet thấp nhưng tốc độ kết nối lại cao, thời gian người dân dành thời gian lên mạng rất nhiều và diễn ra thường xuyên. Trong năm 2019, trung bình mỗi người Việt dành khoảng 6.5h/ ngày để truy cập Internet. Covid-19 diễn ra, các hình thức giải trí ngoài trời bị hạn chế càng khiến cho lượng thời gian này tăng lên tới gần 7h/ ngày.
Cùng với đó, thị trường thiết bị di động tại Việt Nam đã phát triển vô cùng ấn tượng với 97% lượng người sử dụng Internet tại Việt Nam truy cập bằng các thiết bị di động theo báo cáo từ We are Social. Đại dịch Covid-19 kéo dài đi kèm những đợt giãn cách xã hội bất ngờ đã khiến nhu cầu sở hữu và sử dụng thiết bị truy cập internet để làm việc, học tập, giải trí tại nhà tăng cao.
Mặc dù Covid-19 gây ra không ít khó khăn, nhưng cũng là cú hích lớn cho các sàn thương mại điện tử Việt Nam trong năm vừa qua. Thời điểm đại dịch bùng phát, thương mại điện tử Việt Nam đạt mức tăng trưởng ấn tượng 18%, quy mô thị trường lên đến 11,8 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Theo báo cáo từ Adsota ghi nhận, 41% là con số ghi nhận tăng trưởng người dùng mới từ các nền tảng TMĐT tại Việt Nam. Đáng chú ý, có tới 91% trong số đó quyết định sẽ tiếp tục sử dụng các nền tảng TMĐT này kể cả khi thế giới đã vượt qua đại dịch. Với mức tăng trưởng ấn tượng đó, Việt Nam nhanh chóng trở thành “miếng bánh hấp dẫn” hàng đầu cho TMĐT tại khu vực Đông Nam Á.
Trước ảnh hưởng rõ rệt của đại dịch Covid-19, hành vi mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam đã có những sự thay đổi nhất định. Những mặt hàng có mức chi tiêu tăng trưởng mạnh trong mùa dịch là các mặt hàng thiết yếu (đặc biệt là thực phẩm), dịch vụ Internet, nhà ở & tiện ích và chăm sóc sức khỏe. Trái ngược với xu hướng gia tăng này, việc chi tiêu cho các sản phẩm/dịch vụ làm đẹp và giải trí giảm mạnh.
Xem livestream nổi lên như một phương thức giải trí mới
Tình trạng giãn cách cách xã hội đã khiến người dân phải giảm thiểu tối đa những hoạt động ngoài trời và tìm kiếm nguồn giải trí và tương tác trực tuyến thay thế. Xem livestream nổi lên như một phương thức giải trí được ưa chuộng bởi khả năng biến hóa nội dung và tính tương tác cao mà ít công cụ giải trí tại nhà nào có thể đáp ứng được.
69% người tham gia khảo sát cho biết họ xem các nội dung streaming tại nhà nhiều hơn so với thời kỳ trước đại dịch. Ngoài ra, chỉ trong gần nửa tháng kể từ khi có lệnh cách ly xã hội, mọi chỉ số livestream trên Facebook Gaming đều gia tăng đáng kể. Cụ thể: tổng lượt xem tăng tới 81.37% và cán mốc 119.7 triệu lượt; lượt tiếp cận và tương tác tăng lần lượt 79.6% và 50%.
Số liệu từ 7Saturday’s Report nêu rõ, 90% người mua hàng Việt Nam tin tưởng vào các đánh giá của Influencer, trong khi đó chỉ có 33% tin tưởng vào quảng cáo từ các nhãn hàng. Trên thực tế, Covid-19 đã tạo ra ảnh hưởng lớn tới cộng đồng Influencer, bởi phần đông người dùng đến với họ do yêu thích những trải nghiệm phong phú và mới lạ.
Bên cạnh đó, sự đa dạng về mức chi phí cũng khiến Influencer trở thành lựa chọn phù hợp với rất nhiều mục đích và quy mô doanh nghiệp. Chi phí cho các Influencer ở Việt Nam dao động từ 500.000 - 1.500.000 đồng đối với Nano Influencer và lên đến 45 - 100 triệu đồng đối với Mega Influencer.