Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định phê duyệt danh mục 93 doanh nghiệp Nhà nước thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Trong đó, 3 hãng lữ hành thuộc top đầu Việt Nam, chỉ sau Vietravel, là Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), Tổng công ty Bến Thành (Benthanh Group) hay Tổng Công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) sở hữu hàng loạt khách sạn sang trọng bậc nhất.
Đặc trưng của mảng lữ hành là doanh thu cao nhưng biên lợi nhuận lại rất thấp, trong khi các khách sạn hạng sang với tỷ lệ lấp đầy khá tốt lại mang lại lợi nhuận từ liên doanh, liên kết tốt cho các Tổng công ty nói trên.
Hanoitourist nắm giữ cổ phần hàng loạt khách sạn 5 sao tại Hà Nội
Tổng công ty Du lịch Hà Nội được thành lập năm 1963, chuyển đổi sang mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn từ năm 2010. Đến nay, Hanoitourist có hệ thống khoảng 40 đơn vị trực thuộc, công ty thành viên, công ty cổ phần, công ty liên doanh liên kết.
Hoạt động kinh doanh chính là mảng du lịch với các đơn vị như công ty lữ hành Hanoitourist, công ty Du lịch Dịch vụ Hà Nội (Hanoi Toserco), công ty Dịch vụ Giải trí Hà Nội (công viên Hồ Tây). Ngoài ra còn có mảng cho thuê văn phòng tại nhiều vị trí đắc địa, hoạt động thương mại với BigC Thăng Long, Hanoitourist Taxi…
Đáng chú ý hơn là Hanoitourist đang sở hữu hệ thống các khách sạn sang trọng bậc nhất tại khu vực phía Bắc. Hiện tổng công ty này nắm giữ cổ phần của 5 khách sạn 5 sao nổi tiếng nhất thủ đô là Sofitel Legend Metropole Hanoi, InterContinental Hanoi Westlake, Pullman Hanoi, Hilton Hanoi Opera và Hotel De L’Opera. Bên cạnh các khách sạn 4 sao khác như khách sạn Hà Nội, khách sạn Thăng Long Opera, khách sạn Hilton Garden Inn… và một số khách sạn lớn ở các tỉnh Điện Biên, Quảng Bình, Phan Thiết…
Metropole Hanoi là khách sạn lâu đời nhất ở Hà Nội được xây dựng từ năm 1901. Đây là một trong những khách sạn đón tiếp nhiều vị nguyên thủ quốc gia và được chọn là nơi diễn ra hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu năm 2019. Hiện Metropole Hanoi thuộc sở hữu của công ty liên doanh khách sạn Thống nhất Metropole, trong đó Hanoitourist nắm giữ 50% cổ phần với giá trị 203 tỷ đồng. Đây cũng là liên doanh hiệu quả nhất khi đóng góp 80 tỷ lợi nhuận cho Hanoitourist trong tổng số 118 tỷ đồng lợi nhuận liên kết năm 2018.
Khách sạn Metropole Hanoi. Ảnh: Agoda |
Một đơn vị khác cũng hiệu quả là công ty Toseco với lợi nhuận mang về 39 tỷ đồng, sở hữu cổ phần tại khách sạn Pullman Hanoi và khách sạn Hà Nội. Một số khách sạn khác thuộc sở hữu của công ty con nên được hợp nhất vào báo cáo tài chính của Hanoitourist.
Theo báo cáo tổng kết 6 tháng đầu năm, công suất phòng bình quân của các khách sạn diễn ra khả quan như khách sạn Hòa Bình đạt 65%, khách sạn Thăng Long Opera và Thăng Long Espana của Công ty Thương mại và Cung ứng nhân lực đạt tỷ lệ 71%, Sofitel Legend Metropole đạt 72,6%, De L’Opera Hanoi đạt 84,4%.
Năm 2018, Hanoitourist ghi nhận doanh thu thuần 707 tỷ đồng, tăng 26% nhưng lợi nhuận sau thuế hợp nhất còn 225 tỷ đồng, giảm 13% do năm 2017 có thu nhập bất thường từ thanh lý tài sản. Tính đến cuối năm 2018, Hanoitourist có tổng tài sản 3.656 tỷ, vốn điều lệ 2.700 tỷ và vẫn đang lỗ lũy kế 36 tỷ đồng.
|
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của Hanoitourist |
Công ty ghi nhận giá trị đầu tư vào các công ty liên doanh liên kết là 1.328 tỷ đồng với giá trị cổ tức thu về mỗi năm khoảng 120 tỷ đồng, riêng Metropole đóng góp 70-80 tỷ đồng mỗi năm.
Saigontourist nắm 7 khách sạn 5 sao tại Sài Gòn
Một công ty lữ hành khác cũng sở hữu hệ thống khách sạn đa dạng là Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist). Được thành lập năm 1975, đến nay Saigontourist quản lý hệ thống 8 công ty dịch vụ lữ hành, 54 khách sạn, 13 khu du lịch và 28 nhà hàng. Trong lĩnh vực liên doanh, Saigontourist đã đầu tư vào hơn 50 công ty trong nước và 9 công ty liên doanh có vốn nước ngoài.
Bên cạnh mảng lữ hành truyền thống, Saigontourist còn hoạt động ở lĩnh vực nhà hàng (Bình Quới, nhà hàng Cung Đình, Đệ Nhất…), mảng giải trí (Đầm Sen Nước, Vàm Sát, Golf Rạch Chiết…), truyền hình SCTV, trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn…
Đối với hệ thống khách sạn, Saigontourist đang sở hữu cổ phần tại 7 khách sạn 5 sao tại TP HCM gồm Rex Hotel, Majestic, Grand Saigon, Caravelle, New World, Sheraton Saigon, Pullman Saigon Centre và 1 khách sạn 5 sao tại miền Bắc là Majestic - Móng Cái. Bên cạnh đó là hàng loạt khách sạn 4 sao tại Sài Gòn, Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Bình, Ninh Thuận, Nha Trang, Quy Nhơn, Hạ Long… Tổng công ty cũng đang đầu tư xây dựng thêm 2 khách sạn 5 sao khác là Sài Gòn Lion và một tại Đà Nẵng.
Năm ngoài, Saigontourist đón tiếp 2,92 triệu lượt khách tăng 14,8%, trong đó khách lưu trú là 1,85 triệu lượt, tăng 5,3%. Công suất phòng bình quân của các khách sạn là 68% (so với 64% năm 2017). Từ đó, doanh thu ghi nhận 6.651 tỷ đồng, tăng 7% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 983 tỷ đồng, giảm 15%.
|
Nguồn BCTC hợp nhất năm 2018 của Saigontourist |
Tính đến cuối năm 2018, Saigontourist có tổng tài sản 11.903 tỷ, vốn điều lệ 7.018 tỷ và lợi nhuận chưa phân phối 2.016 tỷ đồng. Doanh nghiệp ghi nhận giá trị đầu tư liên doanh, liên kết là 3.639 tỷ đồng với hệ thống đa dạng về du lịch, khách sạn, truyền hình, nhà hàng, thương mại… giúp mang về cổ tức và lợi nhuận được chia tổng cộng 449 tỷ đồng trong năm 20198.
Benthanh Group nắm giữ 25 khách sạn và resort
Tổng công ty Bến Thành được thành lập vào tháng 12/1997, đến nay Benthanh Group đang đầu tư vốn và tham gia quản lý tại 32 doanh nghiệp thành viên tại 4 lĩnh vực gồm dịch vụ du lịch, dịch vụ thương mại, dịch vụ bất động sản và sản xuất công nghiệp.
Một số đơn vị thành viên tiêu biểu của Benthanh Group có thể kể đến như Vàng bạc đá quý Bến Thành (BTJ- sở hữu Precita), công ty phân phối xe hơi Savico, Hue Travel, BenThanh Tourist, Norfolk Mansion, Thương mại Phú Nhuận (PNCo), sản xuất phụ tùng ốc vít Lidovit,…
|
Các đơn vị thành viên của Benthanh Group. |
Riêng về nghỉ dưỡng, Benthanh Group cũng sở hữu hệ thống đa dạng với 25 khách sạn và resort. Một số khách sạn nổi tiếng như Sofitel Saigon Plaza, Renaissance Riverside Hotel Saigon, Norfolk Hotel, Saigon Quang Binh Hotel, Saigon Ninhchu Hotel & Resort…
Năm ngoái, công ty mẹ Benthanh Group ghi nhận doanh thu thuần 385 tỷ đồng, tăng 62% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 38% còn 175 tỷ đồng, do không còn lợi nhuận đột biến từ thanh lý đầu tư. Tính đến cuối 2018, tổng giá trị đầu tư vào liên doanh liên kết là 1.198 tỷ đồng, mang về cổ tức, lợi nhuận hàng năm trên 130 tỷ đồng.
|
Cổ tức, lợi nhuận được chia từ một số khách sạn của Benthanh Group |