Ông Bruno Angelet – Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam chia sẻ: Trước đây, khi ông mới làm việc với chính phủ Việt Nam, các nhà lãnh đạo chưa thực sự nhận thức được tầm quan trọng của năng lượng sạch. "Họ cho rằng năng lượng sạch là quá đắt đỏ, không dành cho Việt Nam. Nhưng hiện nay, nhận thức của các nhà lãnh đạo đã hoàn toàn khác. Họ quan tâm đến việc cải thiện khung pháp lý, và nhận thức được Việt Nam có nhu cầu và tiềm năng rất lớn đối với năng lượng sạch và năng lượng tái tạo", ông Bruno Angelet nói.
Tuy nhiên đại sứ cũng cho biết, chi phí điện quá rẻ cũng là một trong những nguyên nhân gây ra việc doanh nghiệp cũng như hộ gia đình Việt Nam chưa sử dụng điện một cách hiệu quả. Cần phải có thuế đánh vào điện than để chuyển từ "công nghiệp nâu" sang "công nghiệp xanh".
Báo cáo cụ thể mục tiêu của Việt Nam trong việc Ứng phó với tác động của Biến đổi Khí hậu, đại diện Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường – Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết: Việt Nam có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính. Theo cam kết của chính phủ Việt Nam, đến năm 2030 phải giảm khoảng 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản biến đổi khí hậu được dự báo.
Theo các kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam, đến cuối thế kỷ XXI, sẽ có 40% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương ven biển khác sẽ bị ngập nước. Khi đó sẽ có 10-12% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất 10% GDP. Đặc biệt, 20% diện tích thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị ngập.
Ông Thành cũng định hướng Việt Nam cần thực hiện chính sách, cần có nhiều giải pháp đồng thời, tiết kiệm năng lượng đồng thời định hướng con đường phát triển mới. Trong đó bài toán đồng lợi ích: "giảm phát thải nhà kính và giảm biến đổi khí hậu" là vô cùng quan trọng.
Tham gia vào tiến trình chống biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh năng lượng không thể không kể đến đóng góp của khối doanh nghiệp ngoài nhà nước. Khi được hỏi về góc nhìn doanh nghiệp đối với ngành năng lượng, đại diện khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước – ông Phạm Thái Lai, CEO Siemens Việt Nam đánh giá: không thể tập trung cơ cấu năng lượng vào một ngành đơn lẻ, như thế doanh nghiệp sẽ tự đặt mình vào thế khó, cần tìm ra một cơ cấu thích hợp cho việc sử dụng năng lượng. Hơn nữa cần phải quan tâm đến việc sử dụng điện một cách hiệu quả, làm thế nào để tăng năng lực phân phối và truyền tải điện.
Ông Lai cũng nói thêm, việc khai thác khí ở Việt Nam có thể thúc đẩy nhanh hơn. Tuy nhiên, cung của Việt Nam chưa đáp ứng đủ nhu cầu điện khí, trong tương lai có thể phải đẩy mạnh nhập khẩu năng lượng khí.
Việt Nam rất quan tâm đến sử dụng năng lượng hiệu quả, từ năm 2006 đã xây dựng mục tiêu quốc gia về năng lượng. Năm 2015 Bộ Công thương tổng kết đánh giá những thành tựu đạt được là rất đáng ghi nhận: chương trình của riêng giai đoạn 2011-2015 tỷ lệ năng lượng tiết kiệm được là 5,6% so với dự báo. Mới đây, Bộ Công thương cũng đã trình lên Thủ tướng Chính phủ Chương trình quốc gia tiếp theo 2019-2025, giai đoạn 2 từ 2025-2030 với tham vọng tỷ lệ tiết kiệm năng lượng lên đến 8-10% so với dự báo
Cung cấp những định hướng về khung kế hoạch ngành năng lượng cho Việt Nam trong thời gian tới, ông John Rockhold – Trưởng nhóm Điện và Năng lượng, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam VBF đặt ra câu hỏi lớn: "Làm thế nào đảm bảo giá năng lượng sạch không quá thấp và thu hút đầu tư từ các ngân hàng hoặc định chế tài chính?".
Ông cho biết khi tham dự một hội thảo về năng lượng được tổ chức tại Singapore, 94% các doanh nghiệp tin rằng Việt Nam là điểm đến tương lai của ngành năng lượng. Việt Nam cần thu hút được đầu tư của khu vực tư nhân vì Việt Nam cần tới 12 tỷ USD mỗi năm để duy trì phát triển năng lượng sạch, bên cạnh đó đưa ra khuôn khổ dài hạn về tính thanh khoản, đảm bảo chia sẻ rủi ro với khu vực tư nhân.
Kết thúc thảo luận, ông John Kerry nhấn mạnh một lần nữa vai trò của việc gắn kết khu vực tư nhân đầu tư vì rõ ràng ngành năng lượng vừa đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, vừa tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, chính phủ không nên kéo dài thời gian ra quyết định thêm nữa: "Năng lượng sạch là tương lai của chúng ta."