Lúng túng lập tài khoản bán hàng
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, nhiều doanh nghiệp không biết cách lập tài khoản để bán hàng trực tuyến. Đơn vị này đã tổ chức 2 cuộc tập huấn, nhưng sau đào tạo, nhiều doanh nghiệp vẫn không biết làm. Những hỗ trợ trực tuyến qua các ứng dụng như WhatsApp, Zalo cũng không đem lại nhiều hiệu quả.
"Năm nay, chúng tôi phối hợp với một nhà bán lẻ trực tuyến lớn, ông chủ của họ là người giàu nhất thế giới. Chỉ đơn giản là làm sao đăng ký được tài khoản, tuân thủ điều kiện trên website đó, các doanh nghiệp đã lúng túng rồi" – ông Nguyễn Thanh Hưng cho biết.
Chụp ảnh sản phẩm cũng là một điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam. Theo VECOM, 95% doanh nghiệp Việt Nam không biết cách chụp ảnh sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thương mại điện tử. Thay vì sử dụng các bộ công cụ chụp ảnh, nhiều doanh nghiệp chỉ dùng máy ảnh của điện thoại di động. Tại một số doanh nghiệp đã đầu tư bộ công cụ, nhân sự cũng chưa biết sử dụng hiệu quả.
Ảnh chụp các sản phẩm trên một website thương mại điện tử và bộ công cụ chụp ảnh đơn giản.
Ông Nguyễn Thanh Hưng cho rằng, việc giới thiệu sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử cũng đang có vấn đề. Mô tả sản phẩm sao cho hấp dẫn, nổi bật trong tâm trí người tiêu dùng đòi hỏi người phụ trách phải có kỹ năng. Không những thế, doanh nghiệp còn phải thể hiện điều này bằng các ngôn ngữ tại thị trường mà mình hướng đến.
"Câu chuyện này (thương mại điện tử) khác với B2B là xuất khẩu thị trường nào thì dùng tiếng của thị trường đó. Bởi vì đây là bán hàng cho người tiêu dùng cuối. Chúng ta cứ nói chúng ta giỏi ngoại ngữ, giỏi tin học. Khi đi vào cụ thể, chúng tôi thấy thật thực trạng luôn. Cứ khen nhau, khi làm cụ thể là chúng ta lúng túng" – ông Nguyễn Thanh Hưng phát biểu tại hội thảo "Quốc gia số: Các đòn bẩy chính sách cho đầu tư và tăng trưởng", ngày 29/6.
"Tiềm năng thì rất lớn nhưng thực tế thì rất khó"
Theo khảo sát trên 300 startup, các nhà đầu tư và các công ty đa quốc gia kỹ thuật số hàng đầu ở 11 nước châu Á của AlphaBeta, nhân tài đang là yếu tố quan trọng của mỗi nước trong quá trình trở thành Quốc gia số. Số nhân tài này cũng đóng vai trò lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật số trong nước và thu hút tài năng số nước ngoài.
Nghiên cứu của AlphaBeta chỉ ra rằng, kinh tế số mang đến nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam. GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 5 tỷ USD đến từ tăng trưởng của thị trường Internet di động giai đoạn 2015-2020. Công nghệ số đã thay đổi cách thức xuất khẩu, giảm thiểu các rào cản xuất khẩu và giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia xuất khẩu.
Dù vậy, có tới 5 trở ngại trong phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Hạ tầng chính sách và thể chế, thói quen dùng tiền mặt, rủi ro lộ lọt thông tin, logistic yếu kém, nhân lực là những điều được Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) đưa ra. Khảo sát nhân lực cho kinh tế số của Bộ Công thương cho thấy, số cán bộ phụ trách công nghệ thông tin rất ít, chỉ một vài người trong đó có thể điều hành được sàn giao dịch,…
Do đó, Bộ Công Thương muốn các doanh nghiệp tham gia ngay từ những bước chuẩn bị đầu tiên cho việc xây dựng Đề án Phát triển kinh tế số. "Đây là một sự đổi mới. Vì thông thường các cơ quan nhà nước làm nhiệm vụ soạn thảo, xây dựng chính sách, sau đó lấy ý kiến phản biện xã hội, trong đó có doanh nghiệp" - ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh.
VECOM cho rằng, các vấn đề hiện nay cần được khắc phục sớm. Đặc biệt là cải cách các thủ tục hành chính.
"Tiềm năng thì rất lớn nhưng thực tế thì rất khó. Thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn nhập khẩu là nhiều" - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nói.