Không dễ để có thể sắp xếp lịch gặp gỡ với Tuệ Lâm, General Manager của Nextrans, một quỹ đầu tư mạo hiểm đã có 6 năm tại thị trường Việt Nam. Trong năm đại dịch, nhà quản lý quỹ 9x tất bật làm việc với hơn hai chục startup mà quỹ đầu tư, bên cạnh đó vẫn phải săn lùng các khoản đầu tư triển vọng.
Phong cách nói chuyện nhanh và rõ ràng, Tuệ Lâm thể hiện ra ngoài sự chín chắn của dân đầu tư thực thụ, người ngồi ở vị trí luôn phải đưa ra những quyết định quan trọng.
Chị nói: "Một năm rưỡi làm tại Nextrans, suy nghĩ của tôi trưởng thành hơn 3 – 4 năm so với tuổi thực".
Năm vừa qua sự kiện COVID-19 gây ra nhiều biến động cho nền kinh tế, nhìn lại trong vai trò GM của một quỹ đầu tư mạo hiểm, với chị đâu là điểm nhấn lớn nhất?
Năm 2020 có thể nói khó khăn cho tất cả mọi người. Với tôi, nó không phải vì không vượt qua được thử thách này, thử thách kia. Công việc ở quỹ là đầu tư và hỗ trợ chính các công ty đã từng rót vốn. Nên một năm như vậy, khi mà các công ty trong danh mục khó khăn, tôi cũng không thấy dễ dàng gì.
Câu chuyện ở đây có hai vấn đề chính. Thứ nhất, làm thế nào để giúp các công ty trong danh mục vượt qua để đi tiếp về phía trước. Thứ hai, làm thế nào có thể tìm được công ty tốt tiếp theo để đầu tư.
Khi không có COVID-19, đó là hai việc tôi vẫn phải làm, nhưng mức độ, độ khó và thời gian dành cho nó không quá khắc nghiệt. Trong năm COVID-19, tôi buộc phải làm mọi thứ nhanh hơn, nhiều hơn, cường độ mạnh hơn để có thể cùng lúc làm tốt cả hai việc.
Tôi ít nhiều cảm thấy thách thức vì không thể giúp các công ty vượt qua toàn bộ khó khăn này. Đó là điểm tôi luôn canh cánh trong lòng.
Nextrans hiện có 22 khoản đầu tư tại Việt Nam, cũng không thể dành thời gian để giúp đỡ tất cả, mà phải có mức độ ưu tiên nhất định. Những công ty nào đi được, tôi sẽ để họ tự đi. Còn công ty nào khó khăn hơn thì tôi dành nhiều thời gian hơn cho họ.
Lúc đó tôi nhận ra rằng, khó khăn là khi mình đã cố gắng hết sức nhưng hiểu rằng sức lực có hạn.
Với Nextrans thì sao, bài toán của quỹ phải đối mặt là gì?
Đối với các quỹ, cái khó nhất khi tìm kiếm đầu tư thêm các thương vụ (deal) mới là việc làm thẩm định (due diligence) không thể trực tiếp với các team. COVID-19 đến quá bất ngờ và quỹ không kịp xoay lại toàn bộ quy trình hoạt động.
Đại dịch không chỉ chuyển đổi nền kinh tế từ offline sang online, mà bản thân các quỹ cũng phải chuyển hóa tương tự.
Nextrans thì may mắn hơn chút xíu vì có tôi là người bản địa, nhưng với các quỹ không có người ở Việt Nam thì gần như họ không có cảm nhận gì về thị trường thời điểm hiện tại.
Vậy điểm tích cực nào mà COVID-19 đem đến?
Nó giống như một phép thử và thanh lọc thị trường. Ở thời điểm hiện tại chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề, những công ty nào phải dừng cuộc chơi là phải dừng rồi. Chúng ta không quá đau buồn và luyến tiếc.
Chúng ta tập trung hơn vào những gì còn lại sau COVID-19, đó là những công ty đủ tốt, có khả năng chịu đựng và chèo lái qua dịch. Chúng ta cũng thấy được những ngành bùng nổ (booming) sau dịch, như giáo dục trực tuyến hay phần mềm quản trị...
Nếu như không có COVID-19, còn lâu người ta mới nhận ra sự chuyển đổi là điều bắt buộc. Nhờ có đại dịch, xuất hiện những xu hướng tất yếu và chúng ta chấp nhận nó rất nhanh.
Còn phía quỹ, cái được lớn nhất là khi thị trường thanh lọc, cơ hội đầu tư có thể ít đi, nhưng số lượng deal chất lượng sẽ cao hơn.
Trong 22 khoản đầu tư của Nextrans tại Việt Nam, có trường hợp nào rất khó khăn và cảm giác không thể đi tiếp được?
Nextrans có đầu tư vào lĩnh vực đặt phòng du lịch, hiển nhiên họ không thể nào tránh khỏi tác động. Ngoài các công ty chịu ảnh hưởng trực tiếp, cũng có những công ty mà khách hàng của họ bị ảnh hưởng. Các công ty trong danh mục của Nextrans sẽ phải tìm ra mô hình kinh doanh mới để có thể sống sót được.
Tôi nghĩ đó là thử thách lấy lửa thử vàng, giúp lọc ra nhiều CEO có tố chất trong dịch. Hiện tại, tôi thấy rất tự hào vì chưa có CEO nào chọn con đường từ bỏ, dù điều kiện rất khó khăn.
Ngay từ đầu khi Nextrans quyết định đầu tư vào một công ty, quỹ đã nhìn vào ý chí của người sáng lập (founder). Trong tương lai chúng ta không chỉ có COVID-19 như này, mà sẽ có nhiều biến cố tương tự. Đây sẽ là điểm khởi đầu để quỹ hiểu rằng, khoản đầu tư đã đặt vào đúng người và đúng công ty.
Chị nói rằng đã hỗ trợ các công ty trong danh mục khá nhiều năm vừa rồi, cụ thể nó là gì?
Hầu hết các công ty trong danh mục gặp phải vấn đề thiếu tài chính, giống như thiếu oxi vậy.
Nhưng, Nextrans không thể mang lại cho họ cái đó. Cái chúng tôi hỗ trợ là làm cách nào để có thêm dòng tiền cho doanh nghiệp mà không tốn quá nhiều nguồn lực.
Nextrans cùng ngồi lại với các công ty, tìm xem vấn đề là gì, những điểm này họ có thể giải quyết trong vòng bao lâu, tình huống xấu nhất sẽ phải làm gì. Chúng tôi hỗ trợ về mặt định hướng lại tình hình hiện tại và chiến lược trong thời gian sắp tới.
Tiếp theo nữa, quan điểm đầu tư của Nextrans là luôn hỗ trợ các công ty trong khả năng và cố gắng hết sức. Với những công ty không thể sống được nếu như họ không có tiền, Nextrans sẽ đầu tư thêm. Tất nhiên chúng tôi không đầu tư quá nhiều, đủ để họ có thể sống sót, nhưng đó là mức độ hỗ trợ cuối cùng.
Nextrans luôn khuyến khích các công ty trong danh mục tìm ra cách. Quỹ có thể hỗ trợ các công ty trong lần này, nhưng khi càng đi xa thì biến cố càng lớn. Lúc bấy giờ một cánh tay như Nextrans không thể đỡ được hết các công ty. Trong danh mục của Nextrans, các founder đều hiểu được điều đó.
Một điều đáng mừng là họ luôn tìm đến Nextrans như một người đồng hành trong quá trình phát triển, không chỉ lúc họ khó khăn mà cả lúc họ thành công. Trong dịch, sự gắn bó giữa quỹ và các công ty trong danh mục càng được thể hiện khăng khít hơn.
Dòng tiền giống như máu của doanh nghiệp, trong giai đoạn này dòng tiền hoạt động kinh doanh rõ ràng kém. Các startup giải quyết bài toán này như thế nào, và quỹ đầu tư như Nextrans có thể hỗ trợ gì?
Thực tế các startup họ không có nhiều lựa chọn. Khác với những công ty đã niêm yết, hoặc trong mảng sản xuất truyền thống, có dòng tiền họ có thể vay ngân hàng, có nhà máy thì thế chấp…
Chúng ta hiểu rằng với startup, ngoài con người, sản phẩm của họ chủ yếu là công nghệ. Buộc lúc bấy giờ cách thức họ tìm đến chỉ có thể là nhà đầu tư thiên thần, hoặc nhà đầu tư mạo hiểm.
Quan điểm của Nextrans là với công ty nào phải cần thêm tiền của nhà đầu tư để có thể sống thì thực tế họ khó sống lâu được. Thông điệp chính từ điều này là các công ty buộc phải bán được sản phẩm, buộc phải có khách hàng, buộc phải đi trên đôi chân của mình.
Nên nếu bây giờ thiếu tiền? Họ phải cắt chi phí, tiêu ít thôi, để làm sao lượng tiền kiếm được có thể trang trải chi phí. Đấy cũng là xu hướng chung của nhiều công ty trong danh mục của Nextrans năm vừa rồi, họ cắt giảm nhân sự.
Đó là cách mà cá nhân mình và Nextrans nghĩ rằng rất phù hợp. Sau cùng, bài toán về quản trị dòng tiền sẽ do chính công ty phải giải quyết, chứ không phải là các nhà đầu tư.
Chị đã làm ở Nextrans tính đến nay đã được 1 năm rưỡi, giai đoạn nào khó khăn nhất?
Năm vừa rồi khi các công ty phải ứng phó với COVID-19, tôi khó có thể cảm giác đó là năm thuận lợi. Đơn giản tôi cùng các startup đi chung trên một con thuyền. Những cơ hội đầu tư cũng không còn quá nhiều, nhưng nó buộc mình phải chính xác, dành thời gian nghiêm túc nhìn vào vấn đề.
Thực ra, năm vừa rồi với tôi không phải là năm khó khăn, mà là phép thử với bản thân.
Đến thời điểm hiện tại, khi nhìn lại quãng thời gian làm ở Nextrans, giai đoạn đầu tôi cảm thấy hơi ngợp. Ngợp không phải vì mọi thứ quá khó với mình, mà vì mọi người trong team quá giỏi, các công ty trong danh mục cũng giỏi, không những vậy họ còn chăm chỉ và rất cố gắng.
Lúc đó tôi bị một áp lực vô hình, nếu không cố gắng thì tự mình sẽ lùi lại phía sau. Việc đứng ở vị trí hỗ trợ các công ty trong danh mục, vừa phải đưa ra quyết định vào các thương vụ đầu tư mới thì cố gắng thôi chưa đủ mà còn phải giỏi, bản lĩnh.
Rất may mắn là tôi đã vượt qua được phần nào, hiển nhiên không phải tự mình làm được tất cả, mà có sự giúp đỡ của các đồng nghiệp trong quỹ hoặc từ chính những công ty trong danh mục. Họ đều rất cởi mở, sẵn sàng chỉ cho tôi nếu tôi không biết.
Đó là điều may mắn trong suốt năm vừa rồi và thậm chí từ lúc bắt đầu đảm nhiệm vai trò này.
Trước đó xuất phát điểm của chị chưa từng làm quỹ, thậm chí quỹ đầu tư mạo hiểm lại càng mới mẻ ở Việt Nam. Có phải những bước đi đầu tiên rất áp lực không?
Tôi nghĩ có một điều mà mọi người thường hay hiểu sai. Các quỹ khác có thể cần người có kinh nghiệm làm quỹ. Nhưng với đầu tư mạo hiểm, nghe cái tên đã thấy mạo hiểm rồi đúng không?
Không phải thứ duy nhất họ cần là một người có kinh nghiệm và chuyên môn làm quỹ, vì nếu như thế họ có thể chọn ứng viên từ quỹ khác hoặc từ mảng banking. Cái họ cần là những người nhìn ra được cơ hội tại các thị trường mà nó chưa tồn tại. Điều đó không phụ thuộc vào việc có kinh nghiệm hay chưa, mà phụ thuộc vào khả năng nhìn nhận.
Khi nhìn rộng ra thị trường nước ngoài, đa phần những người đứng đầu quỹ mạo hiểm rất lớn họ không xuất phát từ dân làm quỹ, họ là dân làm startup. Tức là họ đã từng khởi nghiệp, họ từng bán công ty, họ từng dẫn dắt công ty qua rất nhiều giai đoạn. Đó mới là những người có khả năng nhìn ra được công ty tiếp theo như chính mình trong quá khứ.
Trước kia tôi làm ở Base.vn, dù không liên quan gì đến quỹ cả nhưng mọi người bỏ qua chi tiết đó là một startup. Mà quỹ đầu tư mạo hiểm thì đầu tư vào đâu, vào startup. Những kinh nghiệm trước đó của tôi là đồng hành với startup từ lúc chưa có gì cho đến khi tương đối thành công.
Chị nói một ý mà tôi cảm thấy rất hay, ngay cả việc chọn GM của một quỹ đầu tư mạo hiểm cũng chính là một thương vụ mạo hiểm. Có nghĩa là những ông chủ của quỹ đánh cược vào việc nó có thể thành công, cũng có thể thất bại. Vậy họ chọn chị vì yếu tố nào?
Tôi vẫn nhớ lại buổi nói chuyện giữa mình và các thành viên sáng lập của Nextrans. Ba người ngồi hơn hai tiếng đồng hồ không nhắc gì về mô tả công việc. Tất cả câu chuyện trong hai tiếng đó là Việt Nam 2 - 5 năm tới sẽ như thế nào. Và ba người bọn tôi đều có chung quan điểm.
Đó là thứ quan trọng, vì sao? Thực ra, nếu như chúng ta tìm người dựa trên khả năng của họ có thể tìm được deal này, deal kia thì người này đi có thể tuyển người khác về, không vấn đề.
Những người đứng đầu ở các quỹ lớn, họ sẽ không chọn người theo cái cách như thế. Họ cần tìm người có chung văn hóa, chung tầm nhìn, chung hướng đi.
Tôi nghĩ rằng, những người ở tầm càng cao, họ có thể cảm nhận được điều đó càng sớm. Tức là ngay khi nói chuyện họ đã cảm nhận được rồi. Không mất quá nhiều thời gian để họ có thể nhận ra đây có phải là một ứng viên tiềm năng hay không, họ biết câu trả lời từ ban đầu.
Tôi biết rằng chị đầu tư chứng khoán từ rất sớm, từ năm nhất đại học. Việc đầu tư chứng khoán và đầu tư ở một quỹ venture có điểm gì giống nhau? Có thể áp dụng được cái này vào cái kia không?
Giống nhau rất nhiều và khác nhau thì cũng cơ bản. Đầu tư trên thị trường chứng khoán thì mọi thứ giống như mình lựa chọn cái gì để mình nhìn vào phân tích, có thể phân tích kỹ thuật, phân tích cơ bản, phân tích theo trường phái thông tin…
Còn đầu tư mạo hiểm chúng ta chẳng có cái gì để nhìn vào cả. Bởi vì họ chưa có doanh thu, chưa có lợi nhuận, công ty của họ mới chỉ có 1 - 2 năm, thậm chí có những công ty vừa ra thị trường còn chưa có khách hàng để chứng minh bất cứ thứ gì.
Lúc bấy giờ, chúng ta phải dựa vào chính năng lực của mình, năng lực hiểu biết và nhận định về thị trường, ngành đó, lĩnh vực đó khi nào thì nó bùng nổ.
Đầu tư mạo hiểm là đánh cược cho tương lai, không phải cược cho hiện tại. Đầu tư chứng khoán thì tôi nghĩ quan tâm nhiều hơn đến giá trị hiện tại, cổ phiếu nó có đắt không?
Điếm giống nhau, tôi nghĩ nó là kỷ luật.
Với chứng khoán chốt lời luôn đúng, và khi đã chốt thì đừng có tiếc. Nhưng cắt lỗ phải có kỷ luật.
Đầu tư mạo hiểm không có cắt lỗ, khi đã đầu tư rồi công ty nó thất bại phải chấp nhận. Nhưng kỷ luật ở đây là gì, khi công ty nhìn thấy thất bại, đừng cố gắng cược thêm, đừng cố gắng lôi nó lên. Điều đó cũng không khác gì kẹp hàng cả.
Khi công ty trong danh mục của mình thất bại, chúng ta phải chấp nhận cái thất bại đó và tiếp tục, tìm những deal tiếp theo. Không nên cố gắng cứu những gì ngoài tầm tay, ngoài khả năng.
Chị nói đầu tư mạo hiểm là đánh cược vào tương lai, vậy có phải nó rất định tính?
Khi kinh nghiệm của mình đủ nhiều rồi thì nó sẽ không còn là định tính nữa. Bạn có biết cuốn "Trong chớp mắt" (Blink) của Malcolm Gladwell?
Nhiều thứ chúng ta cứ nghĩ là do cảm xúc, cảm quan, nhưng thực ra đó là sự tích tụ của những lát cắt kinh nghiệm.
Tôi nhớ mãi một chi tiết và sau này mình áp dụng cho các khoản đầu tư của mình. Đó là cái gì mình thấy không đúng từ thời điểm ban đầu, hãy tin vào cái trực giác đó.
Câu chuyện đầu tư mạo hiểm, đúng là nó cảm tính đấy. Nhưng khi chúng ta gặp được đủ nhiều công ty, đi cùng họ đủ lâu thì chúng ta hiểu được rằng có những công ty có gen này thì sẽ trở thành kỳ lân trong tương lai.
Dần dà mình phát triển giác quan, để khi nhìn một công ty, gặp một founder, ngay từ giây phút đầu tiên mình đã có cảm quan gì đó rồi. Theo thời gian thì càng đúng thôi.
Có thể nói nó định tính đấy, nhưng cũng không hẳn.
Quay trở lại với Nextrans, kế hoạch của quỹ trong năm 2021?
Nextrans luôn có hai mục tiêu xuyên suốt. Đầu tiên là hỗ trợ các công ty trong danh mục, không phải là hỗ trợ vượt qua dịch nữa, mà làm thế nào để mở rộng, kiếm thêm khách hàng, làm sao để có thể gọi được những vòng vốn tiếp theo. Việt Nam đang làm tốt việc chống dịch, chúng ta có quyền hy vọng vào bức tranh tươi sáng hơn vào năm 2021.
Thứ hai vẫn là đẩy mạnh các thương vụ đầu tư tiếp theo. Cùng lúc phải thực hiện cả hai mục tiêu này.
Mình hiểu là khi mà số lượng công ty trong danh mục ngày càng tăng lên, khối lượng công việc ngày càng nhiều, phần mình phải hỗ trợ càng nhiều. Dần dần chiến lược quỹ cũng phải thay đổi, theo hướng phải hệ thống hóa quy trình hỗ trợ và khả năng hỗ trợ.
Tất nhiên quỹ nào cũng hướng đến danh mục của mình càng đa dạng, càng nhiều công ty thành công càng tốt. Nhưng phải trả lời câu hỏi quỹ có khả năng hỗ trợ được bao nhiêu, chúng ta sẽ làm đúng đến điểm đấy đã. Nextrans sẽ không đầu tư và bỏ bẵng các công ty đó.
Với cá nhân chị thì sao?
Có hai việc mình sẽ luôn luôn đặt mục tiêu, năm nào cũng vậy, nhưng mỗi năm sẽ cao hơn. Đó là việc học và tích lũy thêm trải nghiệm, kinh nghiệm của mình.
Với mình việc học không chỉ dừng lại ở việc đọc, mà đó là tất cả mọi thứ mình tiếp xúc hàng ngày, cố gắng ghi lại và học được điều gì đó. Cụ thể năm 2021, việc học mình đặt lên cao nhất trước hết là phải hiểu toàn bộ các ngành mà quỹ đầu tư, hơn 70 công ty, đâu đó 30 - 40 lĩnh vực. Hiểu ngần đó lĩnh vực ngang bằng với những người làm CEO, founder công ty không phải điều dễ.
Đến thời điểm hiện tại mình vẫn chưa thể hiểu hết toàn bộ vì năng lực và thời gian có hạn. Hiểu thêm và học thêm những lĩnh vực đang trở thành xu hướng trong những năm tiếp theo, đó là AI, blockchain. Mình cũng đã nghiên cứu lâu nay rồi, nhưng bây giờ phải đạt được nó trong một khung thời gian.
Một KPI nữa mình đặt ra cho bản thân là năm sau mình sẽ trở thành một cô gái khỏe mạnh, vậy là được rồi.
WeChoice Awards - Giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng - đã quay trở lại với thông điệp mới: Diệu Kỳ Việt Nam.
Sự diệu kỳ của Việt Nam trong năm 2020 không chỉ đến từ những con số về nền kinh tế tăng trưởng, sự rộng lớn hay quyền lực. Sự diệu kỳ ấy đến từ mỗi con người của một đất nước nhỏ bé, từ những người đứng đầu cho đến những người dân lao động bình thường, từ những y bác sĩ cho đến những người công an, từ những người cha, người mẹ, người con.
Hãy cùng chúng tôi tôn vinh những câu chuyện và những nhân vật mà bạn thấy xứng đáng có mặt trong WeChoice Awards 2020 qua cổng đề cử chúng tôi dành riêng cho bạn.
Truy cập wechoice.vn để gửi Đề cử của bạn về cho WeChoice Awards 2020.
Thời gian gửi đề cử: 22/12/2020 - 05/01/2021.