Dịch bệnh vẫn chưa kết thúc, căng thẳng Nga - Ukraine leo thang càng gây áp lực hơn với lạm phát khi giá dầu có lúc đã vượt 100 USD/thùng trong những ngày gần đây. Giá nhiều mặt hàng khác như than, thép, nông nghiệp cũng tăng dẫn đến giá cả đầu vào tăng theo.
Trong bối cảnh đó, đầu tư vào kênh nào là bài toán đau đầu với nhiều nhà đầu tư. Có không ít nhà đầu tư lựa chọn bán cổ phiếu để mua bất động sản hoặc là chuyển bớt lãi từ chứng khoán sang đầu tư bất động sản, kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh nguy cơ lạm phát gia tăng.
Nhà đầu tư chứng khoán muốn rút lãi và một phần gốc sang đầu tư bất động sản nhưng còn e ngại
Anh Nguyễn Quang, một nhà đầu tư chứng khoán 9X ở Hà Nội cho hay, dịch bệnh vẫn còn phức tạp, ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh khiến doanh nghiệp khó khăn, thậm chí là thua lỗ nên đầu tư chứng trong giai đoạn này e rằng sẽ không ăn thua.
“Tôi tính sẽ chỉ giữ lại một phần ở những cổ phiếu vùng an toàn, có tiềm năng. Còn lại sẽ rút bớt một phần gốc và toàn bộ số tiền lãi để mua đất, mong giữ an toàn cho số tiền khoảng 3 tỷ đồng hiện có và chờ cơ hội bất động sản tiếp tục tăng giá sẽ bán đi để đầu tư tiếp”, anh Quang chia sẻ.
Tuy nhiên, chưa có kinh nghiệm trong đầu tư bất động sản, anh Quang băn khoăn, với bất động sản thì sẽ đầu tư ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn và đầu tư lúc này cần chú ý những gì?
Chia sẻ với PV Infonet, bà Trần Thanh Hằng, một nhà đầu tư bất động sản có kinh nghiệm hơn 10 năm nay ở Hà Nội cho hay, đầu tư vào bất động sản dù thế nào thì đến cuối cùng vẫn còn lại tài sản hiện hữu, vẫn có thể sử dụng hoặc khai thác được. Đặc biệt, bất động sản khác với chứng khoán, việc mất giá thường không diễn ra sau một đêm hay vài ngày. Ngược lại, chứng khoán tăng và giảm đều rất nhanh, biên độ chỉ giới hạn theo ngày và một khi đã lao dốc tác động domino đến tâm lý thị trường cực lớn. Chỉ cần chậm một vài giờ đồng hồ, có khi nhà đầu tư chứng khoán đã mất hết vốn liếng.
Tuy nhiên, với thị trường bất động sản, nhà đất cần rất nhiều thời gian mới điều chỉnh được giá, vì vậy người nắm giữ tài sản có đủ thời gian để tìm ra giải pháp cho dòng vốn. Vì thế, bà Hằng cho hay, cũng đã có nhiều nhà đầu tư chuyển tiền lãi từ chứng khoán sang đầu tư bất động sản.
Nhưng với nhà đầu tư mới chuyển sang kênh bất động sản thì cũng cần tìm hiểu kỹ pháp lý của sản phẩm bất động sản lựa chọn đầu tư trước khi ‘xuống tiền’.
Còn ông Phạm Anh Khôi, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Tài chính Bất động sản (FINA), lại khuyên nhà đầu tư muốn chuyển tiền từ chứng khoán sang đầu tư bất động sản nên bắt đầu một cách cẩn trọng.
Theo ông Khôi, nhà đầu tư nên bắt đầu đối với thị trường mình đã nắm rõ, biết rõ, có người thân quen biết rõ về thị trường đó. Nếu không thì có thể tìm một môi giới bất động sản có nhiều kinh nghiệm trong thị trường chia sẻ kinh nghiệm và tìm hiểu thị trường kỹ. Không nên đi quá xa khu vực mình ở, mình nắm rõ vì sẽ xảy ra tình trạng rủi ro chênh lệch thông tin rất lớn. Bất động sản để 3 - 5 năm giá vẫn lên, miễn là có chiến lược đúng và luôn chuẩn bị sẵn tâm thế sẵn sàng cho các tình huống.
Cũng theo ông Khôi, đầu tư bất động sản phải luôn có tâm thế cho tầm nhìn trung và dài hạn. Tâm thế đầu tư ngắn hạn thì đã là sai ngay từ đầu rồi, vì bất động sản mang tính chu kỳ trung và dài hạn nhiều hơn.