Đài CNBC hôm 22-11 dẫn lời các nhà phân tích cho biết Ả Rập Saudi có thể thu hẹp quy mô cuộc chiến tại Yemen hoặc chiến dịch phong tỏa Qatar nhằm bày tỏ thiện chí với Mỹ và duy trì sự ủng hộ chiến lược ở mức cao mà Nhà Trắng dành cho nước này.
Tuy nhiên, các quan chức Ả Rập Saudi không trả lời câu hỏi của đài CNBC về việc liệu họ có thay đổi chính sách đối với Yemen hoặc Qatar hay không.
Phát biểu với đài CNBC hôm 21-11, Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Saudi Adel al-Jubeir thông báo nước ông đang tìm cách chấm dứt tình trạng thù địch ở Yemen, đồng thời bày tỏ hy vọng phiến quân Houthi sẽ ngồi vào đàm phán.
Nhà báo Jamal Khashoggi. Ảnh: Reuters
Vào tháng 4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đề nghị Riyadh chấm dứt phong tỏa đường bộ, đường biển và đường hàng không chống lại Qatar. Ả Rập Saudi cùng với Bahrain, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ với Qatar hồi năm ngoái vì cáo buộc hỗ trợ khủng bố. Doha đã phủ nhận cáo buộc này.
Vào tháng trước, Mỹ tăng cường kêu gọi các bên tiến tới ngừng bắn ở Yemen, nơi phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn đụng độ với liên minh do Ả Rập Saudi dẫn đầu đang hỗ trợ chính phủ Yemen.
Trong một tuyên bố hôm 22-11, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ vẫn đứng về phía Riyadh sau vụ ông Khashoggi bị giết tại lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở TP Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 10.
Đáng chú ý, ông chủ Nhà Trắng đưa ra lập trường trên ngay cả sau khi báo chí Mỹ tiết lộ Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho rằng Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman là người ra lệnh sát hại nhà báo trên. Riyadh đã bác bỏ cáo buộc này.
Tổng thống Donald Trump cho biết CIA chưa chính thức kết luận Thái tử Salman có liên quan và Mỹ sẽ điều tra để công bố nguyên nhân cụ thể.
Hôm 21-11, Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Mỹ đang cố nhắm mắt làm ngơ trước vụ sát hại nhà báo Khashoggi và mô tả những bình luận của Tổng thống Donald Trump về vấn đề này là "khôi hài".
Trong khi đó, Đan Mạch gần đây đình chỉ việc chấp thuận xuất khẩu vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Ả Rập Saudi do vụ nhà báo Khashoggi cũng như sự tham gia của Riyadh trong cuộc chiến ở Yemen.
Ngoài Đan Mạch, Đức cũng đình chỉ việc cung cấp giấy phép xuất khẩu vũ khí và tiến tới ngừng tất cả thương vụ mua bán vũ khí với Ả Rập Saudi. Trong khi đó, Pháp tuyên bố sẽ sớm ra quyết định trừng phạt Riyadh liên quan tới cái chết của ông Khashoggi.
Theo The CNBC, The Star, The Guardian