Vài tháng sau khi đón tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden, người tới với mục đích kêu gọi gia tăng sản lượng để hạ giá dầu nhưng chỉ được đáp ứng phần nhỏ, Ả rập Xê út đang trải thảm đỏ đón nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Tập sẽ thăm Ả rập Xê út từ ngày 7/12 và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh khu vực, nơi Thái tử Ả rập Xê út Mohammed bin Salman và các nhà lãnh đạo khác trong khu vực đều góp mặt. Trong chuyến công du của nhà lãnh đạo Trung Quốc, các thỏa thuận hợp tác, kế hoạch phát triển năng lượng, cơ sở hạ tầng với trị giá khoảng 30 tỷ USD dự kiến sẽ được công bố.
Bloomberg còn cho rằng, chuyến công du của nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng thể hiện mối quan tâm ngày càng lớn của Bắc Kinh tới khu vực Vùng Vịnh, nơi vốn trước đây hầu như chỉ có sự ảnh hưởng của Mỹ. Thời gian gần đây, mối quan hệ giữa Mỹ và Ả rập Xê út rõ ràng có nhiều rạn nứt và chưa giải pháp nào được đưa ra để khắc phục những rạn nứt đó.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thái tử Ả rập Xê út Mohammed bin Salman trong chuyến công du của nhà lãnh đạo Mỹ hồi tháng 7.
Gần đây nhất, hồi tháng 10, mối quan hệ đó tiếp tục xấu đi khi Chính quyền Tổng thống Joe Biden cáo buộc Ả rập Xê út "về phe" với Nga khi đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng dầu. Thậm chí, Nhà Trắng còn cảnh báo về “những hậu quả” nhưng không lâu sau, Mỹ hướng trọng tâm của thế giới vào Trung Quốc và sự cạnh tranh thương mại với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.
Đã một thập kỷ trôi qua kể từ lân cuối Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Riyadh. Từ đó tới nay, không chỉ Trung Quốc mà cả Ấn Độ và Nhật Bản đều đã bỏ Mỹ lại phía sau trong mối quan hệ thương mại với quốc gia Vùng Vịnh. Tổng thương mại Mỹ - Ả rập Xê út giảm từ 76 tỷ USD năm 2011 xuống còn 29 tỷ USD vào năm ngoái.
Sự sụt giảm này một phần tới từ ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ, khiến nền kinh tế số 1 thế giới không còn phụ thuộc nhiều vào dầu từ Trung Đông. Trong khi đó, Trung Quốc đã nổi lên trở thành khách hàng lớn bậc nhất của Ả rập Xê út và các nước trong khu vực. Các nhà xuất khẩu dầu mỏ đều đang rất quan tâm tới thông tin Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế liên quan tới Covid-19, hứa hẹn đưa công xưởng của thế giới vận hành trở lại.
Kim ngạch thương mại Trung Quốc - Ả rập Xê út bỏ xa Mỹ.
Ngoài vấn đề kinh tế, cũng có những vấn đề địa chính trị khiến Riyadh không thấy hài lòng với Washington. Một trong số đó là nỗ lực của Washington nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân với Iran – đối thủ của Ả rập Xê út trong khu vực. Đến thời điểm hiện tại, nỗ lực này giờ đây đã “chết” một lần nữa nhưng việc khai quật nó vài tháng trước đã ảnh hưởng sâu sắc tới mối quan hệ của đôi bên.
Trong khi đó, Mỹ cũng có lý do để không hài lòng với Riyadh. Một trong số đó là liên minh hùng mạnh của Riyadh với Nga và các nhà xuất khẩu dầu mỏ khác trong OPEC+. Trong khi Mỹ muốn hạ giá dầu để giảm lạm phát, các nước OPEC+ lại giảm sản lượng để đẩy giá dầu lên.
Trước bối cảnh hiện nay, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng việc Ả rập Xê út chuyển hướng sang phía Đông không chỉ đơn thuần là về quan hệ kinh tế và thương mại. Thay vào đó, họ nghĩ rằng Trung Quốc có thể là một sự thay thế tốt cho những gì Mỹ bỏ lại phía sau. Và rõ ràng, Trung Quốc nhìn thấy những điều đó.
Các dự án của Trung Quốc đang xuất hiện khắp Vùng Vịnh.
6 tháng qua, Janes IntelTrak Belt & Road Monitor cho biết Huawei đã tăng cường hoạt động trên khắp Trung Đông. Tập đoàn Lưới điện Quốc gia Trung Quốc cũng đang xem xét các cơ hội đầu tư vào lĩnh vực truyền tải và phân phối điện trong khu vực. Ả rập Xê út và Trung Quốc cũng đã đồng ý phối hợp đầu tư vào các quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường mà Trung Quốc khởi xướng.
Tháng trước, Đại sứ Trung Quốc tại Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất Zhang Mingyi tiết lộ cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do giữa Trung Quốc và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, gồm 6 quốc gia, đang bước vào “giai đoạn cuối”. Zhang thậm chí còn đề cập tới một bản ghi nhớ về thăm dò mặt trăng mà Trung Quốc ký với các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất.
Elham Fakhro, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Vùng Vịnh của Đại học Exeter, cho biết: “Các quốc gia vùng vịnh coi Mỹ là một đối tác ngày càng không đáng tin cậy và muốn tận dụng bối cảnh đa cực toàn cầu để tìm kiếm những cơ hội mới. Khi làm như vậy, họ còn có thể gia tăng vị thế của mình trong đàm phán với Mỹ”.
Tuy nhiên, Washington vẫn đang duy trì sự hiện diện đáng kể của quân đội ở Ả rập Xê út và toàn khu vực. Ngoài ra, cũng có những giới hạn trong mối quan hệ đồng minh giữa Washington với các nước Vùng Vịnh. Ví dụ, Ả rập Xê út sẽ không hướng tới khả năng thanh toán dầu mỏ bằng đồng tệ thay cho đồng USD, điều mà một vài quốc gia khác đang thực hiện.
Tham khảo: Bloomberg