Trong khi đại dịch Covid-19 đang nổ ra ở quốc gia giàu có Singapore và nhiều nước Đông Nam Á khác, Việt Nam thực sự là một ngoại lệ đáng kinh ngạc. Dù có đường biên gới dài 1.400 km với Trung Quốc, nơi Covid-19 bùng phát, quốc gia với dân số 90 triệu người và GDP theo đầu người thấp hơn 22 lần so với Australia chỉ có 288 ca mắc Covid-19. Thế giới phải ghen tị với Việt Nam khi quốc gia này chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào vì đại dịch toàn cầu, ABC News nhận định.
Kể từ ngày 11/5, nhà chức trách Việt Nam thông báo thêm 8 ca chữa khỏi Covid-19, nâng tổng số người Việt Nam được chữa khỏi lên tới 249 người. Như vậy, ở quốc gia Đông Nam Á này, chỉ còn 39 người nhiễm Covid-19. Ngược lại, Malaysia, một quốc gia trong khu vực, có 6.276 ca mắc trong khi quốc đảo Singapore, với dân số chỉ vài triệu người, có tới 23.787 ca mắc.
Mike Toole, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm của Viện Burnet có trụ sở tại Melbourne, nói: "Australia chỉ tập trung nhìn cách Singapore xử lý đại dịch. Tuy nhiên, Singapore là một trong những nước thất bại nhất thế giới ở thời điểm hiện tại. Việt Nam không để dịch bệnh bùng phát là một thành tựu rất đáng chú ý với một quốc gia rộng lớn và có dân số đông như vậy".
Thành tựu ở Việt Nam không phải sự cường điệu
Cả thế giới đều tin rằng Việt Nam đang rất trung thực trong việc đưa ra các con số thống kê về Covid-19 dù nó thấp ở mức đáng kinh ngạc. Huong Le Thu, một nhà phân tích tại Viện chính sách Chiến lược Australia, nói rằng các tổ chức quốc tế, các nhà dịch tế học nước ngoài và cả Đại sứ Australia ở Hà Nội cũng bày tỏ sự tin tưởng với số liệu của Việt Nam về Covid-19. "Chẳng có lý do gì để nghi ngờ nhưng con số đó", Huong Le Thu nhấn mạnh.
Trong khi đó, hãng tin Reuters cho biết không nhà tang lễ nào trong số 13 cơ sở mà họ liên hệ cho thấy số lượng tăng bất thường với các đam tang ngay cả khi Việt Nam áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt nhất để chống dịch.
Sharon Kane, người đứng đầu một tổ chức phi chính phủ về Việt Nam, nói rằng: "Tôi biết tôi nói như một người được tẩy não nhưng chẳng dấu hiệu nào cho thấy có sự thiếu minh bạch và chính xác trong các con số mà Việt Nam công bố. Ngay từ đầu tháng 1, Chính phủ Việt Nam đã có những báo cáo rất đáng tin cậy về việc hạn chế cách nguồn lực lâm sàng của đất nước trong trường hợp dịch bệnh bùng phát. Chính vì vậy, Việt Nam rất nỗ lực ngăn chặn Covid-19 lây lan".
Theo đó, Chính phủ Việt Nam không cho rằng Covid-19 là căn bệnh cúm thông thường mà đánh giá cao sự nguy hiểm của nó. Các triệu chứng của bệnh được mô tả một cách kỹ lưỡng và yêu cầu người dân đi xét nghiệm trong trường hợp nghi vấn.
Chống dịch kiên quyết và triệt để
Chìa khóa thành công của Việt Nam là chiến lược xét nghiệm, theo dõi khoanh vùng cũng như truyền thông hiệu quả. Điều quan trọng nhất là Việt Nam đã thực hiện tất cả những điều này một cách nhanh chóng và quyết liệt.
"Ngay từ rất sớm, Covid-19 đã được hiểu là thứ gì đó rất nghiêm trọng, một loại virus có thể lây nhiễm cho tất cả mọi người. Không chỉ những người bị mắc mà cả những người xung quanh họ đều có nguy cơ", bà Huong Le Thu cho biết.
Việt Nam ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên vào ngày 22/1 và ngay lập tức, một đội đặc nhiệm chống Covid-19 được thành lập với tên gọi Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống và kiểm soát Covid-19.
Kidong Park, Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, nói rằng Việt Nam đã tiến hành các hoạt động tập rượt chống Covid-19 từ đầu tháng 1, thời điểm mà Trung Quốc bắt đầu thông báo những ca nhiễm virus lạ đầu tiên.
"Việt Nam hành động có lẽ là sớm hơn bất cứ nơi nào trên thế giới ngoài Trung Quốc, nơi dịch bệnh bùng phát", Giáo sư Mike Toole cho biết.
Đến ngày 1/2, hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã tuyên bố đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc và đặc khu hành chính Hồng Kông cũng như vùng lãnh thổ Đài Loan. Biên giới Việt Nam với Trung Quốc đã được hạn chế đi lại. Việc đình chỉ tất cả các chuyến bay quốc tế tới Việt Nam diễn ra trước ngày 21/3.
"Có nhiều bài học được rút ra từ đại dịch SARS năm 2003. Chính phủ Việt Nam đã khéo léo sử dụng những kinh nghiệm phong phú này và hành động có trách nhiệm trong việc ngăn chặn Covid-19", bà Sharon Kane cho hay.
Những người Việt Nam trở về từ nước ngoài được yêu cầu cách ly với chi phí hoàn toàn do Chính phủ tài trợ. Để cô lập tất cả các nguồn lây nhiễm, Việt Nam đã cách ly hàng chục nghìn người. Đến đầu tháng 3, Việt Nam phát triển thành công một số bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19 với giá rẻ. "Vào thời điểm đó, nước Mỹ thậm chí còn chưa thực hiện một xét nghiệm hiệu quả", Giáo sư Toole cho biết.
Số lượng cơ sở có khả năng xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam đã tăng từ 3 trong tháng Giêng lên 112 trong tháng 4. "Việt Nam đã lựa chọn chiến lược chi phí thấp để xét nghiệm cho những người bị cách ly thay vì tiến hành sàng lọc quy mô lớn vô cùng đắt đỏ. Nhiều xét nghiệm đã được tiến hành với những người có nguy cơ phơi nhiễm cao, chẳng hạn tiểu thương trong các khu chợ ở Hà Nội", Ton Sinh Thanh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, chia sẻ.
Tới cuối tháng 4, Việt Nam đã thử nghiệm hơn 260.000 mẫu, đạt tỷ lệ 2.691/1 triệu dân.
"Ở nhà là yêu nước"
Trong khi đó, bộ máy truyền thông của Việt Nam đóng góp hết mình vào công cuộc chống dịch. Rửa tay với xà phòng hoặc sử dụng nước rửa tay sát trùng liên tiếp được truyền tới mọi người dân. Ngày 16/3, Chính phủ yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng. Người vi phạm có thể bị phạt tiền.
"Chính phủ đã làm rất sáng tạo. Hàng ngày, các bộ ngành khác nhau của Chính phủ nhắn tin tới người dân để chống dịch", Giáo sư Toole cho biết.
Những kênh truyền thông khác cũng được tận dụng. "Ở nhà là yêu nước và rửa tay thường xuyên là thông điệp được truyền đạt rất thành công tại Việt Nam. Không chỉ với những kênh chính thống, nhiều kênh khác cũng được huy động để thực hiện nhiệm vụ này", bà Huong Le Thu cho biết.
Một bài hát về virus corona được nhà chức trách Việt Nam phát hành trên Youtube hồi tháng 3 đã thu hút 45 triệu lượt xem.
Việt Nam mở cửa trở lại
Không có ca mắc Covid-19 mới nào trong cộng đồng suốt 1 tháng qua, Việt Nam đã cho phép tất cả các doanh nghiệp hoạt động trở lại. Các thắng cảnh du lịch cũng đã được mở cửa. Toàn bộ trẻ em Việt Nam đã được tới trường dù vẫn phải tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội, đo nhiệt độ trước khi vào lớp và rửa tay với xà phòng và nước sát khuẩn.
Thành phố Hồ Chí Minh, đô thị lớn nhất Việt Nam với dân số 9 triệu người, đã mở lại toàn bộ mạng lưới xe buýt công cộng trong tuần này. Việt Nam sẽ nối lại toàn bộ các chuyến bay nội địa trong đầu tháng 6 tới.
Du lịch là một phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam với 750.000 lao động và chiếm gần 8% GDP trong năm 2017. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng từ Covid-19 với mức tăng 3,8% trong quý đầu năm 2020, một mức thấp kỷ lục. Tuy nhiên, Việt Nam đang tìm cách bù đắp lại những hậu quả kinh tế do Covid-19 gây ra.
Trong tuần này, Chính phủ Việt Nam đã công bố một chiến dịch "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" nhằm thúc đẩy du lịch nội địa trong bối cảnh Việt Nam mở cửa trở lại. Tuy nhiên, mối nguy với Việt Nam hiện nay vẫn còn dù rất nhỏ. Việc đưa công dân ở nước ngoài trở về có thể làm số ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam tăng lên nhưng việc cách ly ngay sau khi rời máy bay giúp nguy cơ lây lan trong cộng đồng được giảm xuống gần bằng 0.
Tham khảo: ABC News