9 giờ tối, bà Li Zhu'e, 67 tuổi, tập tễnh bước từng bậc cầu thang để lên được căn hộ tầng 13 của mình. Không có đèn chiếu sáng, bà cầm chiếc đèn điện trên tay, mò mẫm trong bóng tối cho khỏi ngã.
Hồi năm 2019, bà Li bị tai nạn xe hơi nghiêm trọng. Khả năng đi lại theo đó bị hạn chế rất nhiều sau 2 cuộc đại phẫu thuật. Được biết 12 chiếc đinh cố định xương sau lưng bà hiện vẫn chưa được tháo ra.
Theo SCMP, nơi mà bà Li gọi là “căn hộ” này nằm trong một tòa nhà đang thi công, hay còn được gọi là “nhà cụt đuôi’’. Chúng không có điện, thiếu nước máy, trong khi hệ thống thoát nước và thang máy chung cũng không hoạt động.
Để thắp sáng căn hộ, con dâu bà Li đã phải mua một chiếc đèn sử dụng năng lượng mặt trời sạc trên ban công mỗi sáng. Họ dùng bếp ga để nấu ăn và uống nước đóng chai - thứ được chuyển tới từ 2 đến 3 lần/ngày.
Giống gia đình bà Li, hiện có hơn 300 hộ gia đình đang sống tại 4 trên tổng số 13 tòa “nhà cụt đuôi’’ ở Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, miền trung Trung Quốc. Hầu hết đều mua căn hộ từ năm 2013, song do việc thi công xây dựng bị tạm dừng vì chủ đầu tư thiếu vốn, cho đến nay, dự án này vẫn chưa được hoàn thiện.
“Ban đêm, trời lạnh lắm và chúng tôi không dám cởi áo khoác. Chúng tôi không đòi hỏi gì nhiều, chỉ mong chính phủ cho chúng tôi điện và nước sạch để sinh hoạt thôi’’.
Con gái anh Li Ke đã 6 tuổi nhưng nhà vẫn chưa được hoàn thiện
Nhiều người đã đứng lên đòi quyền lợi, trong đó có anh Li Ke, 33 tuổi. Được biết anh Ke trước đó đã chi khoảng 500.000 nhân dân tệ (khoảng 1 tỷ 7 VNĐ) để mua một căn hộ rộng 94m2. Hiện tại, con gái anh đã tròn 6 tuổi mà tòa nhà “cụt đuôi” này vẫn bị chính quyền ngó lơ.
"Chúng tôi kiến nghị vài lần mỗi tháng nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi rõ ràng", anh bức xúc.
Được biết, sau khi tiếp nhận ý kiến người dân, khu phức hợp này vẫn được tổ chức xây dựng bởi chính quyền, tòa án, đơn vị quản lý tái tổ chức phá sản và chủ đầu tư, song phía các chủ hộ vẫn chưa thể an tâm.
"Chúng tôi chấp nhận sống ở đây vì có người nói rằng khi tòa án ra phán quyết cuối cùng, những căn hộ này có thể sẽ không thuộc về chúng tôi nữa", bà Li kể.
Trước đó, lối vào tòa nhà cũng đã bất ngờ bị chặn 3 lần để ngăn người dân dọn đến.
"Họ nói rào chắn được dựng lên để phục vụ quá trình thi công, nhưng chúng tôi không tin".
Ông Qu Pingrong, 55 tuổi, một đầu bếp đã nghỉ hưu đang sống tại "nhà cụt đuôi"
Theo SCMP, một số người muốn dọn đến sống ở các “tòa nhà cụt đuôi” vì tin rằng đó là cách duy nhất để bảo vệ quyền sở hữu tài sản. Số khác thì làm vậy vì không có sự lựa chọn.
Ông Qu Pingrong, 55 tuổi, một đầu bếp đã nghỉ hưu cũng nằm trong số đó. Đại dịch hoành hành hồi năm 2021 khiến người đàn ông trung niên này buộc phải nghỉ việc do ngành kinh doanh ăn uống chịu ảnh hưởng nặng nề. Bà xã ông cũng chịu cảnh thất nghiệp tương tự gần nửa năm nay.
"Chủ nhà tăng tiền thuê gần 24% lên 2.100 nhân dân tệ/tháng (khoảng hơn 7 triệu VNĐ). Khoản tiền này chúng tôi không thể trả được vì vẫn còn đang nợ ngân hàng", Qu nói.
Chính vì vậy, gia đình ông Qu quyết định dọn về sống tại một “tòa nhà cụt đuôi’’ để giảm bớt áp lực kinh tế. Đáng buồn thay, mọi chuyện cũng chẳng khá khẩm hơn là bao.
Theo một cuộc khảo sát vừa được thực hiện, hơn 45% người mua nhà ở Trung Quốc gặp vấn đề vì khâu xây dựng chưa hoàn thiện. Các tòa nhà có thể bị bàn giao chậm hơn dự kiến 2 năm; trường hợp lâu nhất được ghi nhận là 22 năm.
Dịch bệnh và sự suy thoái của thị trường bất động sản Trung Quốc khiến những “tòa nhà cụt đuôi’’ xuất hiện ngày càng nhiều. Có thể chúng giúp bảo vệ quyền lợi chủ nhà trong trường hợp tòa án ra phán quyết thu giữ tài sản, song việc xác định người chịu trách nhiệm khi tòa nhà xảy ra tai nạn, chẳng hạn như hỏa hoạn, là vô cùng khó.
Theo: SCMP