Thị trường dầu thô đang chứng kiến mức biến động mạnh chưa từng thấy khi đại dịch Covid-19 làm tê liệt nhu cầu trong bối cảnh du lịch trên toàn thế giới bị gián đoạn, giữa lúc cuộc chiến giành thị phần của các quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới ngày một leo thang.
Giá dầu tiếp tục giảm trong hôm nay (13/3), ngày giảm thứ 3 liên tiếp, dầu thô Brent đã giảm 67 cent, tương đương 2% xuống mức 32,55 USD/thùng, sau khi giảm hơn 7% xuống còn 33,3 USD/thùng vào hôm qua (12/3).
Dầu thô Tây Texas (WTI) giảm 66 cent, tương đương 2,1%, ở mức 30,84 USD/thùng sau khi giảm hơn đương 6% vào hôm 12/3. Tương tự, hợp đồng dầu tương lai tại New York cũng tiếp tục giảm 2,4%, sau khi giảm 4,5% vào hôm qua và đang giảm tổng cộng 26% trong tuần này.
Dầu Brent đang hình thành mức giảm 28% - mạnh nhất kể từ tuần 18/1/1991, khi Chiến tranh vùng Vịnh bùng nổ, trong khi đó WTI cũng đã giảm 25% trong tuần này - mức nhiều nhất kể từ tuần 19/12/2008, đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Một cơn lũ "dầu giá thấp" đổ vào thị trường từ Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đang gia tăng áp lực về giá sau khi thỏa thuận ổn định giá với Nga tuần trước đã thất bại.
Sự chia cắt trong khối OPEC dường như ngày càng rõ rệt hơn, ngay cả khi đối mặt với sự sụt giảm của giá dầu như vậy. Các nhà sản xuất dầu của Nga cho biết họ có kế hoạch tăng cường sản xuất bắt đầu từ 01/4 và có thể hoạt động ngay cả khi giá giảm hơn nữa.
Mátxcova cho biết hiện không có kế hoạch đàm phán với Ả Rập Xê Út, mặc dù họ có thể sắp xếp nhanh chóng nếu cần thiết. Trước đó, hôm 10/3, doanh nghiệp khai thác dầu của Ả Rập Xê Út là Aramco đã tuyên bố rằng họ sẽ tăng sản lượng lên 12,3 triệu thùng trong tháng 4, đồng thời lôi kéo các nhà máy lọc dầu mua thêm với mức giảm giá kỷ lục so với giá bán chính thức.
"Với việc dịch bệnh gây ra sự sụt giảm trong nhu cầu dầu trên toàn thế giới lần đầu tiên trong nhiều năm qua, sự gia tăng sản lượng dầu của Ả Rập và Nga có thể dẫn đến nguồn cung vượt mức 4 triệu thùng mỗi ngày," Eurasia Group cho biết. 4 triệu thùng tương đương với 4% lượng tiêu thụ toàn cầu hàng ngày trước khi dịch bệnh bùng phát.
Ryan Fitzmaurice, chiến lược gia năng lượng tại Rabobank cho biết. "Đây có thể là đỉnh điểm của cuộc chiến công khai về giá trong OPEC+ khi các nhà sản xuất dầu liên tục "mở van" nhằm làm ngập thị trường".
Một vấn đề lớn khác đe dọa thị trường dầu mỏ hiện nay là nhu cầu nhiên liệu máy bay đang giảm mạnh. Hàng ngàn chuyến bay đã bị hủy và nhiều khả năng sẽ bị xáo trộn vì những lệnh cấm và khách du lịch thì hạn chế đi lại do lo lắng về dịch bệnh.
Lệnh cấm người Mỹ du lịch Châu Âu của Trump chỉ làm tăng thêm lo ngại về sự sụt giảm nhu cầu đối với các sản phẩm năng lượng. Rystad Energy ước tính rằng lệnh cấm này sẽ gây thêm tổn thất 600.000 thùng mỗi tháng cho nhu cầu nhiên liệu máy bay. Trước đó, Rystad Energy đã ước tính dịch bệnh bùng phát sẽ gây tổn thất 700.000 thùng/ tháng.
Vượt ra ngoài hệ lụy nhu cầu, lệnh cấm du lịch này còn đang đè nặng lên niềm tin của các nhà đầu tư. Bjoernar Tonhaugen, người đứng đầu thị trường dầu mỏ tại Rystad Energy, cho biết: "Điều này dẫn đến việc mất niềm tin hơn nữa vào các hành động can thiệp của chính phủ và làm tăng lên sự không chắc chắn về mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nền kinh tế nói chung".
Nhiều tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới đồng loạt ghi nhận mức sụt giảm doanh thu đáng kể. Tập đoàn ExxonMobil (XOM) và Chevron (CVX) mất đi khoảng 1/5 doanh thu của họ trong tuần này. Continental Resources (CLR), công ty sản xuất máy khoan được thành lập bởi nhà tiên phong đá phiến Harold Hamm, giảm hơn 40% doanh thu.
Tập đoàn Occidental Petroleum (OXY) đã mất hơn 50% doanh thu trong tuần này. Tập đoàn này cũng đã cắt giảm cổ tức 86% vào hôm 10/03 và thông báo rằng sẽ có kế hoạch cắt giảm chi tiêu một thời gian dài.
Tham khảo: Bloomberg, Reuters