Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 4.114 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được hơn 27% kế hoạch đề ra.
Có hai nguyên nhân giúp ACB tăng trưởng lợi nhuận trong 3 tháng đầu năm gồm: Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh tăng hơn 400 tỷ (tương đương 10,8%); và hoàn nhập dự phòng 2,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 phải trích lập gần 606 tỷ.
Như vậy, đây là lần đầu tiên ACB được hoàn nhập dự phòng rủi ro kể từ quý I/2019. Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên 2022, lãnh đạo ACB cho biết ngân hàng đã trích lập dự phòng khoảng 2.300 tỷ đồng do ảnh hưởng của Covid -19. Đầu năm 2022, tình hình khách hàng cơ cấu đã cải thiện tốt từ 27.000 tỷ đồng cơ cấu trong năm 2021, đến quý I/2022 chỉ còn 15.000 tỷ đồng.
Theo Tổng Giám đốc Từ Tiến Phát, nếu tình hình khả quan thì ACB sẽ hoàn nhập dự phòng và có một khoản thu nhập bất thường trong năm nay.
Đi sâu hoạt động kinh doanh, thu nhập lãi thuần quý I đạt gần 5.441 tỷ đồng, tăng 17,3%. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối tăng trưởng lần lượt 18,2% và 54,7%, mang về cho ACB hơn 739 và 303 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ngân hàng ghi nhận khoản lãi hơn 369 tỷ tại các hoạt động kinh doanh khác. Tuy không có thuyết minh chi tiết nhưng theo chia sẻ của lãnh đạo ngân hàng, thu nhập ngoài lãi quý I đạt khoảng 1.300 tỷ, tăng trưởng 37%. Trong đó, hoạt động bancassurance đóng góp 390 tỷ doanh thu.
Ở chiều ngược lại, mảng chứng khoán đầu tư và chứng khoán kinh doanh đều đi xuống so với cùng kỳ 2021. Trong đó, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư giảm gần 87% xuống còn 6,5 tỷ đồng; còn chứng khoán kinh doanh lỗ hơn 11 tỷ.
Tổng hợp các mảng kinh doanh, thu nhập hoạt động của ACB hết quý I đạt gần 6.850 tỷ, tăng 20,7%. Trong khi chi phí hoạt động tăng 39,3%, lên gần 2.739 tỷ đồng (chủ yếu do chi phí nhân viên tăng 25%). Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ tăng 10,8% đạt hơn 4.111 tỷ đồng.
Vào cuối quý I, tổng tài sản ngân hàng ở mức 528.636 tỷ đồng, tăng 0,2% so với cuối năm trước. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 5%, đạt 379.983 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 1,6% lên 386.051 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/3, ngân hàng ghi nhận 3.119 tỷ đồng nợ xấu nội bảng, tăng 11,4% so với cuối năm 2021. Qua đó, đưa tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,77% vào cuối năm trước lên 0,82%.
Trong quý I, nợ có khả năng mất vốn tại ACB tăng hơn 40% lên gần 1.934 tỷ, chiếm 62% tổng nợ xấu. Nợ nghi ngờ tăng 3,4% trong khi nợ dưới tiêu chuẩn giảm gần một nửa xuống còn hơn 273 tỷ đồng.