Phiên giao dịch sáng nay (10/3/2021), cổ phiếu ACB của ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) bất ngờ xuất hiện giao dịch thoả thuận 77.874.300 cổ phiếu, hầu hết các lệnh thoả thuận với giá 32.000 đồng/cp, tương đương giá trị giao dịch gần 2.492 tỷ đồng.
Cập nhật đến 14h cùng ngày, ACB thoả thuận 100.047.000 cổ phiếu, tương đương giá trị hơn 3.200 tỷ đồng.
Các lệnh thoả thuận ACB ở mức giá 32.000 đồng/cp
Trước đó, hai tổ chức liên quan đến Dragon Capital thông báo đăng bán ký ra gần 108 triệu cổ phiếu ACB và một tổ chức khác đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu.
Cụ thể: Asia Reach Investments Limited (ARIL) đăng ký bán toàn bộ hơn 54,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,51% vốn. First Burns Investments Limited (FBIL) cũng muốn bán toàn bộ hơn 53,5 triệu cổ phiếu ACB, tỷ lệ 2,475%. DC Developing Markets Strategies Public Limited Company (DCDMSPLC) đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu ACB. Các giao dịch được thực hiện từ ngày 10/3 đến 8/4.
Trước đó, ARIL và FBIL cũng từng bán ra lần lượt 32,9 triệu và 13,7 triệu cổ phiếu ACB vào thời điểm giữa tháng 10/2020, khi ACB giao dịch quanh 24.000 đồng/cp.
ARIL và FBIL từng là các công ty con trực thuộc tập đoàn đầu tư Jardine Matheson của Hongkong. Trước khi thoái vốn năm 2017, tập đoàn này từng sở hữu 7,26% cổ phần của ACB.
Bên cạnh Dragon Capital, hiện ACB còn 1 nhóm cổ đông lớn nước ngoài nữa là Alp Asia Finance, sở hữu gần 10%. Số cổ phiếu này được mua lại từ nhóm Standard Chartered.
Các nhóm cổ đông trong nước có thể kể đến như gia đình ông Trần Mộng Hùng hay CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng - doanh nghiệp từng gây xôn xao cuối năm 2019 khi đi vay 1.400 tỷ đồng với lãi suất lên đến 20%/năm để mua hơn 60 triệu cổ phiếu ACB và dùng chính số cổ phiếu này làm tài sản đảm bảo.
Giá cổ phiếu ACB đã tăng gấp đôi kể từ đáy tháng 4/2020, sau khi chuyển sàn HoSE, ACB đã bứt phá mạnh từ vùng 27.000 đồng/cp lên gần 33.000 đồng/cp trong phiên giao dịch sáng nay.
Báo cáo ngày 31/12/2020 của quỹ VEIL, quỹ lớn nhất do Dragon Capital quản lý, ACB vẫn nằm top 3 danh mục với tỷ trọng hơn 9,12%