Trong báo cáo về ngành ngân hàng, Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng chi phí dự phòng sẽ giảm trong năm 2021 do nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là chất lượng tài sản đang được cải thiện. Tỷ lệ nợ xấu (nhóm 3-5) và nợ quá hạn (nhóm 2-5) cuối quý I đầu tăng nhẹ so với quý IV/2020 do yếu tố mùa vụ nhưng giảm so với cùng kỳ năm 2020 và năm 2019.
Các ngân hàng cũng chủ động trích lập dự phòng, giúp tỷ lệ bao phủ nợ xấu được cải thiện, qua đó giảm áp lực trích lập dự phòng năm 2021. Các khoản nợ còn tồn đọng từ giai đoạn trước và trái phiếu VAMC đã được trích lập dự phòng đáng kể trong giai đoạn 2018-2020.
Theo ACBS, quy trình cho vay chặt chẽ hơn so với giai đoạn trước giúp hạn chế nợ xấu mới. Các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh (du lịch, nhà hàng, khách sạn,...) chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ (khoảng 1%) trong cơ cấu dư nợ của các ngân hàng.
Dù có một số lo ngại về việc chi phí dự phòng tăng do Thông tư 03, các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng theo lộ trình lần lượt là 30%, 60% và 100% trong năm 2021, 2022 và 2023. Tuy nhiên, ACBS nhận thấy nợ tái cơ cấu của các ngân hàng hiện chưa đáng lo ngại.
Nguyên nhân là bởi dư nợ tái cơ cấu đã giảm từ quý II/2020 do tình hình tài chính của nhiều khách hàng đã hồi phục và chủ động thanh toán các khoản nợ được tái cơ cấu. Đối với các ngân hàng niêm yết, dư nợ tái cơ cấu có xu hướng giảm dần và chỉ còn chiếm 1,4% tổng dư nợ của các ngân hàng này.
Đối với nợ tái cơ cấu (giữ nguyên nhóm nợ 1), ACBS nhận thấy đa số các ngân hàng khá lạc quan về khả năng thu hồi các khoản nợ tái cơ cấu này với tỷ lệ thu hồi trên 90%.
Lợi nhuận tích cực trong quý IV/2020 - quý I và nhiều khả năng là quý II cho thấy ngành ngân hàng đã chống chịu tốt trước các đợt gián đoạn của nền kinh tế do Covid-19. Dù đợt dịch thứ 4 có thể khiến nền kinh tế tạm thời bị gián đoạn ở một số khu vực nhưng với việc kiểm soát dịch bệnh quyết liệt của Chính phủ và việc tiêm chủng vaccine đã bắt đầu được thực hiện, ACBS kỳ vọng nền kinh tế sẽ sớm quay trở lại hoạt động.