Nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 nổi bật so với toàn cầu, đạt tốc độ tăng trưởng GDP 8,1%. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực đã bắt đầu thể hiện trong những tháng cuối năm với IIP, PMI và xuất khẩu giảm mạnh. Từ tháng 10 đến tháng 11, nền kinh tế bị ảnh hưởng do thanh khoản trên thị trường vốn cạn kiệt sau các vụ điều tra về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp từ các tập đoàn bất động sản lớn.
Năm 2023, dù mục tiêu GDP vẫn được đặt ở mức cao 6,5% nhưng các trụ cột chính là sản xuất, xuất khẩu/FDI và tiêu dùng nội địa đều có dấu hiệu suy yếu. CPI năm 2022 được giữ ở mức hợp lý 3,1% và ACBS cho rằng lạm phát năm 2023 cũng sẽ không phải là con số đột biến, tạo điều kiện cho Chính phủ có dư địa để thúc đẩy chi tiêu công.
Về thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index đã có một năm 2022 đầy khó khăn khi bất ổn kinh tế toàn cầu dẫn đến việc lãi suất tăng mạnh ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, cùng với nỗ lực chống tham nhũng nhằm loại bỏ sai phạm của một số công ty lớn đã ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Giá cổ phiếu của một số công ty giảm mạnh cộng với tâm lý thị trường tiêu cực và thanh khoản thấp đã gây ra hiện tượng bán giải chấp các cổ phiếu niêm yết, chủ yếu là các doanh nghiệp phát triển bất động sản.
Điểm tích cực là khi thị trường chạm đáy với mức định giá hấp dẫn là 9,9 lần, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 10 năm là 14,7 lần, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu quay trở lại Việt Nam với dòng vốn ròng 26.839 tỷ đồng (~1,1 tỷ USD) ch ỉtrong 2 tháng cuối năm.
Bước sang 2023, ACBS xây dựng ba kịch bản cho VN-Index.
Với kịch bản cơ sở, ACBS tin rằng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trên VNIndex sẽ tăng trưởng 12,8% nhờ khả năng phục hồi của ngành ngân hàng khi chất lượng tài sản và NIM sẽ được duy trì ổn định. Lạm phát cũng sẽ nằm trong tầm kiểm soá ttrong năm nay, giúp Chính phủ có nhiều dư địa hơn để thúc đẩy chi tiêu công, thúc đẩy lĩnh vực vật liệu xây dựng cũng như các lĩnh vực liên quan như logistics và khu công nghiệp. Vốn được bơm vào nền kinh tế thông qua chi tiêu công sẽ giúp giải quyết vấn đề thanh khoản của hệ thống và giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, dễ dàng tiếp cận các khoản vay hơn.
Dựa trên kịch bản đó, VNIndex dự kiến sẽ giao dịch ở mức P/E 11,3 lần và đạt mức 1.217 điểm. ACBS lưu ý rằng P/E 11,3 lần tương đương với P/E trung bình của VNIndex từ năm 2010 trừ đi một độ lệch chuẩn.
Tại kịch bản lạc quan, ACBS giả định áp lực lạm phát toàn cầu giảm bớt và nhu cầu toàn cầu tăng trở lại, thuận lợi cho dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng như lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng sẽ thúc đẩy ngành du lịch và dịch vụ của Việt Nam. Dựa trên kịch bản này, ACBS kỳ vọng l ợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng 17,8% so với cùng kỳ và chỉ số VN-Index sẽ vượt ngưỡng 1.400 điểm, tương đương với P/E 12,5 lần . Cần nhấn mạnh rằng mức định giá này vẫn thấp hơn 15% so với mức P/E trung bình 14,7 lần trong 10 năm.
Cuối cùng, kịch bản thận trọng có thể xảy ra với giả định các biến thể mới của COVID19 khiến Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới phải phong tỏa trở lại, hoặc ít nhất là tăng cường các biện pháp phòng ngừa. Thêm vào đó, lạm phát toàn cầu có thể ở mức cao gây áp lực lên lãi suất và tỷ giá; sức mua tiếp tục giảm trên toàn thế giới; thanh khoản hệ thống tiếp tục căng thẳng và thị trường trái phiếu tiếp tục chứng kiến các đợt điều tra như đã diễn ra trong thời gian qua.
Với kịch bản này, tăng trưởng lợi nhuận dự phóng là 7,8% so với cùng kỳ và thị trường sẽ trở lại mức P/E thấp 10,1 lần như trong tháng 11/2022.
Tổng kết lại, mặc dù tình hình kinh tế trong nước và thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, nền kinh tế Việt Nam có thể suy yếu trong nửa đầu năm 2023, ACBS cho rằng cục diện trên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ khác do mức định giá hiện đang rất hấp dẫn và điều này sẽ thu hút thêm dòng vốn ngoại quay trở lại. Với kỳ vọng bức tranh nửa cuối năm 2023 sẽ tươi sáng hơn, ACBS tin rằng thị trường chứng khoán sẽ đi trước sự xoay trục kinh tế và bắt đầu xu hướng tăng vào cuối quý 1/2023 - đầu quý 2/2023.