Nguy cơ thêm hàng trăm container hàng hóa ách tắc
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hơn 50 container đang bị ách tắc từ ngày 3.11 đến nay là của 6 doanh nghiệp thủy sản gồm Cty TNHH Hải Vương (Havuco); Cty CP thủy sản Bình Định (Bidifisco); Cty TNHH Hải Nam; Cty TNHH thực phẩm Amanda Việt Nam (Amanda Food); Cty TNHH Toàn Thắng (Everwin); Cty TNHH Highland Dragon.
Đây là container hàng hải sản (chủ yếu là cá ngừ) vẫn nhập khẩu bình thường suốt 10 năm qua.
Không chỉ 50 container này, ước tính đang có khoảng 200 container mặt hàng thủy sản của nhiều doanh nghiệp khác đang trên đường về Việt Nam, nguy cơ chung số phận.
Doanh nghiệp thủy sản lớn nhất Việt Nam cũng “lên bờ xuống ruộng”.
Theo bức xúc của các doanh nghiệp, ngoài số tiền lưu công, lưu bãi lên tới hàng trăm triệu đồng, một số nhà máy đã ngưng hoạt động và cho công nhân nghỉ làm. Ngoài ra, khách hàng đòi phạt hợp đồng do giao hàng trễ, ảnh hưởng đến uy tín của họ với khách hàng nước ngoài, thiệt hại về lãi suất ngân hàng, không đạt doanh số...
Trước tình trạng ùn tắc hàng ở cảng và sản xuất ngưng trệ, công ty Amanda Food đã giảm 25% lượng nguyên liệu nhập khẩu so với kế hoạch sản xuất.
Havuco là Cty xuất khẩu cá ngừ lớn nhất Việt Nam (mỗi tháng nhập 220 container cá ngừ, chưa tính lượng mua trong nước) đã tính tới việc buộc phải hoãn xuất 280 container cá ngừ, tương đương khoảng 7.000 tấn, dù hợp đồng đã ký cho đơn hàng tháng 12.2018.
Everwin dù phải nhập khẩu tới 80% nguyên liệu để sản xuất, cũng bởi ách tắc, thiếu nguyên liệu nên buộc phải từ chối 800 tấn hàng. Bidifisco cũng đã hoãn lại 18 container chuẩn bị nhập về, đồng nghĩa thiếu nguyên liệu sản xuất.
Một số doanh nghiệp khác đã phải ngưng ký hợp đồng nhập khẩu, khi thấy tình hình trên.
"Ngồi trên lửa" chờ Bộ NNPTNT
Các doanh nghiệp và VASEP cho hay, hàng hóa ách tắc tại các cảng, chỉ trong vòng 13 ngày sau khi Cục Thú y (Bộ NNPTNT) ra văn bản 2581/TY-TTr,PC điều chỉnh, sửa đổi CV 2421 liên quan việc kiểm dịch nguyên liệu thủy sản nhập khẩu từ tàu đánh bắt, được đóng container tại cảng trung chuyển nước ngoài.
Theo điều chỉnh, từ ngày 3.11, với các lô hàng nguyên liệu thủy sản thiếu Giấy chứng nhận kiểm dịch/ATTP - HC phải chờ Cục Thú y để Cục báo cáo Bộ NNPTNT xem xét, quyết định cho thông quan hay không.
Trước sự ách tắc này, VASEP đã gửi công văn tới Bộ trưởng Bộ NNPTNT kiến nghị có chỉ đạo cấp bách Cục Thú y giải quyết ngay việc kiểm dịch để giải phóng các lô hàng của doanh nghiệp đang ách tắc nằm tại cảng, nhằm giảm bớt tổn thất, thiệt hại cho các doanh nghiệp.
Tìm hiểu của PV, mới đây, Bộ NNPTNT đã có buổi làm việc với VASEP liên quan vụ việc, nhưng vẫn chưa ra văn bản để giải quyết vụ việc. "Hiện chúng tôi vẫn đang chờ văn bản của Bộ NNPTNT. Chỉ có văn bản này mới có thể giải tỏa hàng hóa cho các doanh nghiệp", ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết.