Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải về các phương án đầu tư mở rộng Cảng hàng không Điện Biên với tổng vốn dự kiến 4.787 tỷ đồng. Doanh nghiệp đang cùng đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và hồ sơ xin chủ trương đầu tư, trong đó đề xuất 2 phương án, cụ thể như sau:
Hạng mục | Vốn đầu tư dự kiến (tỷ đồng) | Phương án I | Phương án II |
Khu bay | 1.400 | ACV đầu tư | NSNN đầu tư (*), giao ACV khai thác |
Khu hàng không dân dụng | 1.700 | ACV đầu tư | ACV đầu tư |
Công trình đảm bảo điều kiện bay | 155 | VATM (**) đầu tư | VATM (**) đầu tư |
Giải phóng mặt bằng | 1.532 | UBND tỉnh Điện Biên đầu tư từ ngân sách địa phương. | UBND tỉnh Điện Biên đầu tư từ ngân sách địa phương. |
Thời gian hoàn thành | 36 tháng | 40 tháng | |
Ưu điểm | - Không tạo áp lực lên NSNN. | - Đảm bảo quản lý đồng bộ trong quản lý & khai thác. - Không vướng mắc về xử lý tài sản khu bay. | |
Nhược điểm | - Vướng cơ chế xử lý tài sản khu bay. | - Tạo áp lực lớn lên ngân sách trung ương và địa phương. |
(*) Ngân sách Trung ương hoặc địa phương - (**) VATM: Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.
Theo quy hoạch đến năm 2020, cảng hàng không Điện Biên là sân bay dân dụng cấp 3C và sân bay quân sự cấp II, công suất 300.000 hành khách và 500 tấn hàng hóa một năm. Sân bay có khả năng khai thác các loại tàu A320, A321 và tương đương. Ðịnh hướng đến năm 2030, công suất được nâng lên 2 triệu hành khách và 10.000 tấn hàng hóa một năm, với 6 vị trí đỗ tàu bay.
Trước đó, UBND tỉnh Điện Biện đề xuất phương án giao cho Vietjet Air đầu tư sân bay theo hình thức BOT, (khu nhà ga hành khách, khai thác trong vòng 50 năm) nhưng Bộ Giao Thông Vận tải đã có thông báo về việc muốn ACV thực hiện đầu tư dự án vào đầu tháng 8 vừa qua. Sân bay Điện Biên là cầu nối quan trọng kết nối Điện Biên với các tỉnh và khu vực Tây Bắc, đồng thời giữ vị trí xung yếu nhằm bảo đảm an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế vùng.