Cả 3 phương án đầu tư này đều do đơn vị tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Sân bay quốc tế Long Thành (FS) và ACV xây dựng và đề xuất.
Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam, cơ quan tư vấn và ACV đã xây dựng 3 phương án đầu tư Sân bay quốc tế Long Thành, gồm:
Phương án 1, đầu tư theo định hướng tại Báo cáo FS. Theo đó, nhà đầu tư, khai thác Cảng hàng không (CHK) sẽ đầu tư, có sử dụng vốn vay ODA (cấp phát hoặc cho vay lại).
Phương án 2, giao ACV là nhà đầu tư, khai thác không sử dụng vốn ODA. Trong phương án này, có 2 đề xuất: giao ACV trực tiếp đầu tư khai thác bằng vốn của ACV, không sử dụng vốn ODA hoặc giao ACV chủ trì thành lập doanh nghiệp mới (pháp nhân mới) với tỷ lệ vốn chi phối của ACV để đầu tư, khai thác CHK.
Phương án 3, sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, khai thác CHK, dùng vốn của doanh nghiệp dự án, không sử dụng vốn vay ODA theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Bộ GT-VT cho biết, các cảng hàng không lớn trên thế giới như Changi (Singapore), Suvarnabhumi (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Incheon (Hàn Quốc), Chek Lap Kok (Hồng Kông), Charles de Gaulle (Pháp), Frankfurt (Ðức) đều áp dụng mô hình đầu tư, quản lý, khai thác thống nhất bởi 1 nhà đầu tư, khai thác CHK.
Về phạm vi đầu tư, các nhà đầu tư này sẽ tổ chức đầu tư, khai thác các công trình thiết yếu như khu bay, nhà ga hành khách và các hạng mục tiện ích quan trọng như cấp điện nước, thông tin liên lạc… Ðối với các hạng mục khác như nhà ga hàng hóa, dịch vụ cung cấp suất ăn, trung tâm bảo trì, bảo dưỡng tàu bay… nhà đầu tư, khai thác CHK sẽ hợp tác với các nhà đầu tư khác để đầu tư, khai thác hoặc nhượng quyền đầu tư khai thác theo quy định của pháp luật.
Bộ GT-VT cho biết các CHK nêu trên đều được doanh nghiệp Nhà nước, hoặc doanh nghiệp cổ phần với sự tham gia của các tổ chức Nhà nước hoặc doanh nghiệp cổ phần do Nhà nước nắm cổ phần chi phối đầu tư. Sau khi đầu tư, Nhà nước có thể bán một phần vốn Nhà nước. Đề xuất giao ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp
Sau khi phân tích, đánh giá ưu nhược điểm của các phương án đầu tư trên 6 tiêu chí gồm: hành lang pháp lý, vai trò và lợi ích của Nhà nước; tiến độ thực hiện dự án, năng lực và kinh nghiệm đầu tư, khai thác của nhà đầu tư, mức độ thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư, Bộ GT-VT cho biết Tư vấn và ACV đã kiến nghị đầu tư theo phương án 2, giao ACV trực tiếp đầu tư khai thác bằng vốn của ACV, không sử dụng vốn ODA.
Theo đó, việc doanh nghiệp này tự đề xuất làm chủ đầu tư Sân bay quốc tế Long Thành theo phương án 2 sẽ có nhiều ưu điểm. Về pháp lý, các tổ chức hàng không quốc tế đã khuyến cáo một nhà ga nên giao cho một nhà khai thác để đảm bảo đồng bộ thông suốt. ACV đã là nhà quản lý 21 CHK cả nước, là công ty cổ phần với 95,4% vốn Nhà nước, trong khi đó Long Thành là nhà ga lớn nhất trong mạng lưới sân bay quốc gia thì việc ACV đầu tư và quản lý CHK này sẽ tạo kết nối đồng bộ với các sân bay khác.
Về tài chính, hiện ACV đã tích lũy được 1 tỷ USD và tiếp tục tích lũy trong giai đoạn 2019 - 2025, dự kiến cân đối được 1,5 tỷ USD để thực hiện dự án Sân bay quốc tế Long Thành. ACV sẽ chỉ vay một phần hoặc phối hợp với đối tác khác để đầu tư các hạng mục.
Bộ GT-VT nhận định dù ACV chưa từng đầu tư tổng thể CHK mới có quy mô như Sân bay quốc tế Long Thành nhưng doanh nghiệp đã thực hiện nhiều dự án riêng lẻ như xây dựng đường cất hạ cánh tại sân bay Phú Quốc, Cần Thơ; đầu tư sân đỗ tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Ðà Nẵng; đầu tư nhà ga mới tại T2 Nội Bài, T2 Tân Sơn Nhất...
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư khẩn trương tổ chức thực hiện, hoàn thiện nội dung báo cáo thẩm định Báo cáo FS dự án đầu tư xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành; báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định, đảm bảo tiến độ Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10-2019, Quốc hội khóa XIV.
Dự án Sân bay quốc tế Long Thành là dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trước mắt sẽ khắc phục tình trạng quá tải của Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Giai đoạn 1 của dự án sẽ đầu tư 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác chậm nhất đến năm 2025.