Sáng ngày 28/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay đạt 6,7%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội 0,7 điểm phần trăm và mục tiêu Chính phủ là 0,2 điểm phần trăm.
Trước đó, hồi đầu năm, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries dự báo con số này ở mức 6,3%. Ngoài ra, theo báo cáo ADB, tăng trưởng Việt Nam sang năm 2022 sẽ đạt 7%. ADB nhận định, đầu tư gia tăng sẽ trở thành động lực quan trọng trong năm nay và năm sau. Đồng thời, thu hút đầu tư nước ngoài sẽ được thúc đẩy nhờ việc kiểm soát dịch bệnh, cũng như Luật đầu tư được ban hành đầu năm 2021.
Chính phủ Việt Nam tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng lớn trong năm nay, cùng với việc lãi suất thấp kích thích các hoạt động trong bất động sản sẽ giúp lĩnh vực xây dựng tăng trưởng đáng kể.
Việt Nam cũng sẽ được hỗ trợ bởi sự phục hồi của hai nền kinh tế lớn là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đây cũng là những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Dự báo, xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng 8% trong năm nay và năm sau.
Quý 1/2021, lạm phát giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016 nhờ chi phí vận tải giảm và nhu cầu yếu. Song, trong bối cảnh phục hồi toàn cầu và tiêu dùng nội địa tăng khiến giá dầu tăng sẽ dẫn đến lạm phát tăng lên 3,8% trong năm nay và 4% năm sau.
ADB cho hay, thời gian tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một số thách thức. Cụ thể, thách thức lớn nhất chính là đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại bởi các biến thể mới và triển khai tiêm vaccine còn chậm.
Tính đến cuối tháng 3, khu vực châu Á đang phát triển đã tiêm được 5,2 mũi vaccine Covid-19 trên mỗi 100 người, dẫn đầu là Trung Quốc , Ấn Độ, Indonesia và Bangladesh. Con số này thấp hơn mức trung bình của toàn cầu là khoảng 8 mũi tiêm trong số 100 người.
Đại diện ngân hàng này nhận định: "Nếu việc triển khai vaccine còn chậm trễ, đà tăng trưởng cao trước đại dịch của Việt Nam có khả năng bị tác động". Đặc biệt, đầu tư tư nhân trong nước phục hồi nhanh chóng cũng có thể làm tăng rủi ro bong bóng tài sản, nhất là khi nguồn vốn không được hướng vào các lĩnh vực sản xuất.