Chiều ngày 16/11, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức và chủ trì Hội thảo chuyên đề số 7 trong chuỗi sự kiện thuộc Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0, với chủ đề "Phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, nền tảng số trong quá trình xây dựng và quản lý hạ tầng kinh tế, xã hội trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Chia sẻ tại hội thảo, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhấn mạnh, chuyển đổi kỹ thuật số hiện đang trở nên cấp thiết và quan trọng hơn bao giờ hết trong thời đại đại dịch. Đại dịch đã tạo ra một động lực và sự quan tâm chưa từng có để đạt được cơ sở hạ tầng kỹ thuật số về quy mô.
Do đó, để hiện thực hóa tiềm năng từ số hóa, đại diện Ngân hàng ADB cho rằng, Việt Nam sẽ cần tập trung vào các chính sách và cải cách trên nhiều phương diện.
Thứ nhất, Việt Nam cần có những bước đi nhằm mở rộng kết nối bằng cách cải thiện vùng phủ sóng điện thoại di động và truy cập internet băng thông rộng. Đồng thời, nâng cấp việc cung cấp các dịch vụ di động và Internet băng thông rộng với giá phải chăng.
Ông Andrew Jeffries cho hay, tỷ lệ sử dụng Internet năm 2021 ở Việt Nam đạt 73%, gần ngang với Indonesia (73,7%) và cao hơn Thái Lan (69,5%) và Philippines (68%).
"Mặc dù những con số này nói lên nhiều điều về những cơ hội ở phía trước, nhưng chúng cũng chỉ ra rằng vẫn cần phải xem xét kỹ lưỡng tốc độ tiếp nhận và sử dụng Internet", ông Andrew Jeffries nói.
Quang cảnh hội thảo
Thứ hai, các khoản đầu tư vào hạ tầng số sẽ phải tăng mạnh để hỗ trợ sự phát triển của lĩnh vực kỹ thuật số. Theo ước tính của ADB, các khoản đầu tư vào lĩnh vực kỹ thuật số sẽ đạt khoảng khoảng 182 tỷ USD hàng năm, hoặc 910 tỷ USD sẽ được cần đến tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong khoảng thời gian 5 năm. Khoản đầu tư này sẽ dùng để cung cấp các dịch vụ di động và băng thông rộng với giá phải chăng, cũng như mở rộng phạm vi tiếp cận và phủ sóng Internet.
Thứ ba, hợp tác khu vực sẽ giúp Việt Nam xây dựng khả năng chống chịu trước những cú sốc kinh tế cũng như rủi ro an ninh y tế. Theo lãnh đạo Ngân hàng ADB, các quốc gia, trong đó có Việt Nam, nên nắm bắt các cơ hội do làn sóng toàn cầu hóa mới mang lại trong điều kiện bình thường mới sau đại dịch, để tăng cường hợp tác khu vực trong quá trình hội nhập và các cơ hội số liên quan.
Đối với Việt Nam, một quốc gia dựa vào thương mại quốc tế như một yếu tố đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế, các khoản đầu tư kỹ thuật số này rất quan trọng để duy trì sức hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến đầu tư, một trung tâm sản xuất và từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh một cách toàn diện.
Thứ tư, quyền truy cập vào các dịch vụ tài chính kỹ thuật số an toàn và bảo mật cũng như các hệ thống và tùy chọn thanh toán là một lĩnh vực chính sách liên kết khác cần phải được phát triển. Theo ông Andrew Jeffries, đây là một thị trường đang phát triển nhanh tại Việt Nam, với hơn 120 công ty fintech đang hoạt động trong năm 2021 so với chỉ 44 vào năm 2017.
Thứ năm, môi trường pháp lý phù hợp và năng lực thể chế cần được nâng cao. Đây là yếu tố quan trọng, không chỉ để huy động các nguồn lực để cải thiện cơ sở hạ tầng số và kết nối, cũng như khả năng tiếp cận chúng, mà còn quản lý những lợi thế và rủi ro liên quan đến công nghệ mới và chuyển đổi số.
Thứ sáu, xây dựng nguồn nhân lực đầy đủ với kỹ năng phù hợp là động lực chính cho chuyển đổi số. Kiến thức kỹ thuật số là điều cần thiết để mọi người tận dụng tối đa các cơ hội việc làm mới và hưởng lợi từ các dịch vụ công sẽ có sẵn trên nền tảng kỹ thuật số.
Một nghiên cứu gần đây của ADB về tác động của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 dự kiến rằng, trên thế giới, kể cả Việt Nam, trong khi công nghệ mới sẽ khiến máy móc tiếp quản một số công việc nhất định từ con người, nó cũng tạo ra nhiều việc làm mới mà trước đây chưa từng có.
Do đó, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy bởi công nghệ kỹ thuật số có thể tạo ra việc làm mới để bù đắp những việc làm bị mất đi. Và Việt Nam cần tăng cường giáo dục và đào tạo kỹ thuật và dạy nghề (TVET), để tạo cơ hội việc làm tốt hơn cho sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng công nghệ thông tin cao. Đặc biệt, các sắp xếp lao động mới tiến nhanh hơn trong nền kinh tế số hóa ngày càng tăng, đòi hỏi Chính phủ phải hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho việc đào tạo lại và nâng cao kỹ năng, đồng thời củng cố hệ sinh thái giáo dục và đổi mới sáng tạo quốc gia.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, với tư cách là động lực thúc đẩy phát triển kỹ thuật số, các công ty khởi nghiệp công nghệ cần được các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách quan tâm đúng mức. Các công ty khởi nghiệp xác định các cơ hội kinh doanh mới, phát triển các giải pháp mới hoặc giải pháp thích ứng với những thách thức hoặc phân khúc thị trường mới. Họ cũng giúp các doanh nghiệp đã thành lập và các ngành kế thừa chuyển đổi - có thể là đối tác của họ hoặc nhà cung cấp dịch vụ của họ, tạo ra việc làm mới và cung cấp cơ hội việc làm trong các ngóc ngách mới của thị trường việc làm.