Khởi đầu trong trắc trở và hiềm khích...
Năm 1924, người thợ đóng giày tên là Adolf Dassler gọi tắt là ngày nào cũng chăm chỉ nghiên cứu về giày rồi chạy thử trên những đôi giày đó. Adolf Dassler luôn mơ một ngày, các vận động viên hàng đầu thế giới đều sẽ đi đôi giày do chính mình làm ra.
Adolf Dassler có một người anh trai tên là Rudolf Dassler. Adolf Dassler phụ trách việc sản xuất để tạo ra những đôi giày, còn Rudolf Dassler phụ trách khâu tiêu thụ.
Vào thời điểm đó, nhiều nhà máy sản xuất giày tại nước Đức đều đóng cửa do khủng hoảng kinh tế thời hậu chiến. Ngân hàng đã từ chối cấp vốn cho anh em nhà Dassler.
Không nản chí, Rudolf Dassler bèn mang theo một xe chở giày đến sân vận động để bán. Chỉ trong vài ngày, ông anh đã bán được 273 đôi và có được một ít vốn để mở xưởng khởi nghiệp.
Để thử nghiệm, Adolf Dassler không ngần ngại sử dụng lốp xe Mercedes-Benz của anh mình làm vật liệu. Nhưng ngay khi lô giày vừa ra mắt đã bị khách hàng trả lại vì nó không bền. Lúc này hai anh em bắt đầu xảy ra cãi vã.
Để tiếp tục, họ đành đến ngân hàng để thương lượng chuyện vay vốn. Và vận may đã đến. Họ thành lập thương hiệu ADI (tên gọi thường ngày của Adolf Dassler). Trước Đệ nhị thế chiến, ADI có 10 năm phát triển và đứng vững trên thị trường, doanh số hàng năm lúc này đã đạt 200.000 đôi.
Tuy nhiên, khi thành công đến, Rudolf Dassler vì muốn tăng doanh số bán hàng, liền tính cách hạ giá xuống thấp nhưng vấp phải phản đối của gia đình vợ chồng Adolf Dassler. Mối rạn nứt bắt đầu từ đây…
Đến thời cai trị của Đức Quốc xã, Rudolf Dassler muốn em mình tài trợ cho đội tuyển quốc gia thi Thế vận hội Olympic và hy vọng hãng ADI sẽ trở thành thương hiệu được chỉ định cho các vận động viên quốc gia.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một nghệ nhân, Adolf Dassler hy vọng đôi giày thể thao của mình được mang bởi nhà vô địch tương lai và mục tiêu của Adolf Dassler là Jesse Owens (một vận động viên người Mỹ gốc Phi). Họ lại tiếp tục bất đồng quan điểm.
Adolf Dassler lén lút tài trợ cho Owens và vận động viên này đạt được 4 huy chương vàng tại Thế vận hội năm 1936, nhưng đi kèm với thắng lợi đó quyết định đình chỉ sản xuất từ phía quân đội phát xít.
Để ngăn nhà máy giày đóng cửa, Rudolf Dassler đã phải giải vây bằng cách chấp thuận theo yêu cầu của chính phủ, mỗi tháng sản xuất cho Đức Quốc xã 6.000 đôi ủng quân sự trang bị cho lính Đức tham gia chiến tranh. Để làm hài lòng Đức Quốc xã, Rudi còn sa thải nhiều nhân viên chống đối khỏi nhà máy. Lúc này, nhân viên thất nghiệp đồng nghĩa với việc phải nhập ngũ.
Nhưng rắc rối chưa dừng lại, hai anh em tiếp tục nhận được lệnh sẽ có một người đi nghĩa vụ quân sự. Rudolf Dassler hiểu rằng vị trí thiết kế của người em là không thể thay thế nên đành chuẩn bị ra tiền tuyến. Ít lâu sau, xưởng đóng giày cũng bị trưng dụng vào mục đích quân sự.
Kết thúc trong nghi kỵ và tan rã
Sau khi thế chiến kết thúc, xưởng sản xuất giày bị quân đồng minh thẩm tra vì nghi ngờ tài trợ cho phát xít Đức. May mắn thay, vợ của Adolf Dassler đã trưng ra ảnh của Jesse Owens chụp cùng với ông, cứu xưởng đóng giày không bị phá hủy. Tuy nhiên, Rudolf Dassler đã bị bắt vì tham gia quân đội Đức Quốc xã.
Lúc thẩm vấn, vì quá phẫn uất và nghi ngờ em trai tố cáo mình, Rudolf Dassler đã khai man về người em, gây ra rắc rối cho cả hai. Mặc dù được phóng thích nhưng tình anh em cũng không còn. Xưởng giày phải chia hai. Rudolf Dassler lấy đi gần như toàn bộ đội ngũ bán hàng và thông tin khách hàng. Adolf Dassler thì giữ lại tất cả đội ngũ kỹ thuật. Họ phải vất vả làm lại từ đầu.
Năm 1948, Adolf Dassler lấy tên "Adi" của mình, thêm ba chữ DAS trong họ Dassler ghép thành Adidas của ngày nay. Còn anh trai ông thì lấy tên thương hiệu của mình là Rudas, sau này trở thành thương hiệu giày Puma như hiện tại.
Trong một lần Adolf Dassler đến sân bóng xem tập luyện, thấy mẫu giày bóng đá mới của mình trông rất giống với sản phẩm của anh trai. Để chứng tỏ sự khác biệt, ông cho quệt vào sơn trắng lên trên giày, tạo thành logo ba sọc đầu tiên của Adidas.
Logo giày của Adidas vừa xuất hiện thì logo mang thương hiệu Puma của anh trai cũng xuất hiện trên phố. Hai bên bắt đầu xung đột nhau về những ý tưởng bị trùng lặp trên sản phẩm, tiêu biểu là thiết kế đinh chống trượt của giày thể thao. Cuộc tranh giành ảnh hưởng cũng bắt đầu từ đây.
Thống lĩnh thị trường thể giới trong thế kỷ mới
Năm 1954, giải vô địch bóng đá thế giới được tổ chức tại Thụy Sĩ. Trước khi bước vào chung kết. Người anh trai tìm cách tranh thủ HLV trưởng đội tuyển Tây Đức Sepp Herberger. Tuy nhiên, việc đàm phán bất thành. May mắn lại một lần nữa mỉm cười với Adolf Dassler. Đội Tây Đức quyết định sử dụng những đôi giày mang thương hiệu Adidas.
Những đôi giày chống trượt của Adidas góp phần cho đội tuyển Tây Đức giành chức vô địch với tỷ số 3-2 trước Hungary.
Năm 1989, Adidas được chuyển thành công ty tư nhân trách nhiệm hữu hạn. Gia đình Adi vẫn kiểm soát tài sản công ty cho đến khi được rao bán năm 1995.
Cả Adidas và Puma đều đóng trụ sở tại Herzogenaurach (Đức) và dần trở thành những thương hiệu thống lĩnh thị trường trang phục thể thao toàn cầu theo phong cách của họ. Hiện tại quyền sở hữu hai thương hiện lâu đời này không còn của riêng hai gia đình nhà Dassler nữa.
Bước sang thế kỷ XXI, khi đại dịch Covidd-19 quét qua, Adidas cho hay doanh thu năm 2020 giảm 16% xuống còn 19,8 tỷ Euro. Lợi nhuận kinh doanh giảm tới 78% trong năm 2020 xuống còn 432 triệu Euro (513 triệu USD), thấp hơn nhiều so với con số 1,97 tỷ Euro của năm 2019.
Trong khi đó, doanh thu trong năm 2020 của Puma (thuộc sở hữu đa số của thương hiệu hàng xa xỉ Kering, Pháp) cũng chỉ đạt 5,23 tỷ Euro nhưng mức giảm lợi nhuận không nhiều. Hiệu quả đến từ ưu thế nguồn cung ứng các nguyên liệu chính như da, bông và polyester.
Châu Á là khu vực tìm nguồn cung ứng mạnh nhất của Puma, với 94% nhà cung cấp nằm trên lục địa này.